Ấm tình phiên xử cuối năm

Không chỉ bị cáo được trả tự do ngay tại tòa để về ăn tết, phiên tòa ở huyện vùng sâu Gò Quao (Kiên Giang) còn có nhiều điều bất ngờ, thú vị.

Ấm tình phiên xử cuối năm - 1
Theo đề nghị của bị cáo Dương Thanh Long, tôi đến TAND huyện Gò Quao (Kiên Giang) bào chữa miễn phí cho bị cáo này. Tôi thực sự đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những điều lạ.
Cùng dự tòa để rút kinh nghiệm

Đúng 7h30, tôi có mặt tại tòa. Cùng lúc này, sân tòa xuất hiện bảy kiểm sát viên (KSV) trong đồng phục xanh ngành kiểm sát. Họ gồm viện trưởng VKSND huyện Gò Quao, một trưởng, một phó phòng VKSND tỉnh Kiên Giang và bốn KSV sơ cấp. Hỏi ra mới biết họ đến để tham dự phiên tòa mà tôi đang bào chữa. Không những thế, máy quay phim, máy ghi âm được họ mang theo vào phòng xử.

Rồi ông chánh án cũng xuất hiện bên hành lang tòa án, cùng với ông viện trưởng đến bắt tay tôi. Qua trao đổi, tôi được biết thực tiễn xét xử tại địa phương rất ít khi có luật sư tham gia. Do vụ này có luật sư từ TP.HCM về nên VKS tổ chức cho các KSV sơ cấp tham dự để học tập, trao đổi về chuyên môn, thực tiễn tranh tụng.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Dương Thanh Long là tài xế chạy xe hợp đồng cho một doanh nghiệp xe khách đường dài. Rạng sáng 9.8.2014, Long chở khách từ TP.HCM đến thị trấn Gò Quao (huyện Gò Quao, Kiên Giang) thì mệt quá nên vào một quán nước ngủ trên võng.

Khoảng 5h sáng, Nguyễn Thành Lợi (phụ xe, không có bằng lái) kêu Long dậy đi đón khách cho chuyến trở lại TP.HCM. Long mệt nên nói “Mày lái đi” rồi ngủ tiếp. Sẵn chìa khóa còn để trên xe, Lợi lái xe đi. Trên đường về, xe Lợi đụng vào một xe máy, gây thương tích cho nạn nhân 75%.

Lợi bị truy tố tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS), còn Long bị truy tố tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ (Điều 205 BLHS).

Không giới hạn thời gian tranh luận

Trong phần xét hỏi, tôi hỏi bị cáo Lợi và Long để làm rõ việc Long hoàn toàn không biết Lợi không có bằng lái ô tô khi giao xe cho Lợi lái (và Lợi cũng nhận thức rằng Long không biết mình không có bằng lái). Tôi hỏi Long: “Nếu ra tù hoặc được trả tự do, bị cáo có cam kết trước HĐXX là vẫn tiếp tục thăm nom, quan tâm đến người bị hại không?”. Long vừa khóc vừa trả lời: “Tôi cam kết”.

Phần tranh luận, tôi đưa ra bốn tình tiết giảm nhẹ cho Long (tương ứng với điểm b, h, p và e khoản 1 Điều 46 BLHS), trong đó có tình tiết phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do tự mình gây ra (điểm e khoản 1 Điều 46 BLHS), tức phạm tội do lỗi vô ý. Tòa để cho luật sư và KSV tranh luận thoải mái, không giới hạn thời gian. (Không khí tranh luận sôi nổi đến mức tôi đã… rời khỏi bàn, đứng trước HĐXX, gần bàn KSV để tranh luận lúc nào không hay!).

KSV đã bác bỏ điểm e khoản 1 Điều 46 vì cho rằng bị cáo phạm tội với lỗi cố ý. Tôi bảo lưu quan điểm và lưu ý HĐXX xem xét áp dụng quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2013 và Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, giao xe cho người không có giấy phép hoặc bằng lái điều khiển phương tiện giao thông là việc người có quyền quản lý phương tiện giao thông biết một người không có giấy phép hoặc bằng lái nhưng vẫn giao cho người đó điều khiển. Rõ ràng theo hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi thì Long hoàn toàn không biết Lợi không có bằng lái ô tô và Lợi cũng nhận thức rằng Long không biết mình không có bằng lái.

Cái tết sum vầy của thân chủ

Do Long đã bị tạm giam hơn ba tháng nên tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ và trả tự do cho Long tại tòa.

Một bất ngờ khác nữa là trong khi chờ HĐXX nghị án, thư ký đã mang cà phê vào mời luật sư và các KSV tại phòng xử. Tận dụng thời gian, chúng tôi - luật sư và các KSV - trao đổi thêm về chuyên môn, về quan điểm liên quan vụ án. Việc tranh luận rất thân thiện vì chúng tôi thẳng thắn nhưng vẫn tôn trọng quan điểm chuyên môn của nhau.

Sau khi cân nhắc, xem xét tình lý, HĐXX đã tuyên phạt Lợi sáu tháng tù giam, Long ba tháng 16 ngày tù. Do thời hạn tù bằng đúng thời hạn tạm giam nên Long được trả tự do ngay tại phiên tòa.

Ngay sau đó, phòng xử án được sắp xếp bàn ghế lại để VKS và các thẩm phán họp rút kinh nghiệm ngay tại chỗ.

Tôi cùng thư ký sang trại tạm giam cách tòa khoảng 100m làm thủ tục đón thân chủ về lại TP.HCM (cách Gò Quao 250km). Vậy là một mùa đông dài đã qua với thân chủ tôi - bị cáo Nguyễn Thanh Long. Hiện Long đang cùng gia đình chuẩn bị đón một cái tết sum vầy.

Bài học thực tiễn thú vị

Vụ này liên quan đến tội danh truy tố chưa từng gặp nên VKS huyện tổ chức cho các KSV tham dự phiên tòa, học tập trao đổi về chuyên môn, thực tiễn tranh tụng...

Sau đó chúng tôi họp rút kinh nghiệm để nhận xét, đánh giá những việc KSV đã làm tốt như việc chuẩn bị đề cương xét hỏi, luận tội và tác phong của KSV. Đồng thời, qua đó chúng tôi chỉ ra những tồn tại, thiếu sót của KSV trong quá trình xét xử. Đây là bài học có giá trị thực tiễn để bản thân KSV học hỏi và rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự của huyện Gò Quao nói riêng và của ngành kiểm sát Kiên Giang nói chung.

Ông Nguyễn Chí Trung, Viện trưởng VKSND huyện Gò Quao

Có luật sư dự nên tòa phải kỹ hơn

Gò Quao là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, có nhiều dân tộc cùng cư trú, trong đó người Khmer chiếm hơn 30%. Trong huyện không có văn phòng luật sư nào, không có nhiều luật sư tham gia các vụ án, càng hiếm có luật sư từ TP.HCM về tham gia tố tụng. Hầu như chỉ có trợ giúp viên pháp lý cho các hộ nghèo hoặc các bị cáo chưa thành niên. Đa số người dân khi có vụ việc đến tòa đều không rành pháp luật nên chúng tôi phải hướng dẫn tỉ mỉ, từ việc viết cái đơn khởi kiện thế nào cho đúng quy định pháp luật.

Tòa án Gò Quao có năm thẩm phán. Mỗi năm chúng tôi tổ chức chừng 3-4 phiên tòa rút kinh nghiệm. Có vụ mà ngay cả tòa tỉnh cũng chưa từng gặp. Tại các phiên tòa, chúng tôi mời cả tòa cấp trên về dự. Tất cả thẩm phán và thư ký tòa Gò Quao đều được yêu cầu đến nghe để rút kinh nghiệm chung. Bình thường tòa phải chuẩn bị xét xử kỹ càng. Những vụ có luật sư lại càng phải kỹ hơn nữa. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho luật sư thực hiện công việc của mình. Tòa để cho hai bên tranh tụng thoải mái, không giới hạn thời gian.

Vụ này có luật sư từ TP.HCM, lại là vụ mà tội danh truy tố lần đầu tiên gặp nên chúng tôi chọn làm phiên tòa rút kinh nghiệm luôn để đội ngũ học hỏi, sau này có tội phạm như thế sẽ không bỡ ngỡ. Theo đề nghị của VKS và luật sư, cũng trên cơ sở cân nhắc lý tình, tòa đã quyết định mức án vừa đủ sức răn đe để phòng ngừa chung, vừa cho bị cáo có cơ hội đoàn tụ gia đình sớm khi tết đến xuân về.

Ông Nguyễn Thành Nghề, Chánh án TAND huyện Gò Quao

Phương Loan (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Kim Ngân/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN