Gợi ý những món ngon cúng ông Táo
Những món ăn vừa truyền thống lại vừa có chút mới lạ này sẽ khiến mâm cỗ cúng ông Táo sắp tới thêm hấp dẫn.
1. Gà luộc
Nguyên liệu:
- 1 con gà ta (1,35kg)
- 2 nhánh hành lá, cắt khúc; 5 lát gừng; 15g hành lá băm nhuyễn (phần màu trắng); 3 muỗng canh dầu ăn
- Muối; xì dầu (tùy ý)
Cách làm:
Bước 1: Gà làm sạch. Rửa dưới vòi nước lạnh.
- Đổ nước vào một nồi lớn, cho gà vào. Nước phải đủ để gà chìm.
- Thêm 2 nhánh hành lá và gừng vào. Đun sôi nồi gà.
- Sau khi nước sôi, dùng đũa nâng gà lên để dốc bỏ nước lạnh bên trong bụng rồi cho gà vào lại nồi nước sôi. Khi nước sôi lại, hạ nhiệt.
Bước 2: Đun nhỏ lửa. Luộc liu riu thêm khoảng 30 phút hoặc cho đến khi gà chín. Tùy thuộc vào kích cỡ của gà mà bạn có thể tăng hoặc giảm thời gian.
- Kiểm trả thịt gà bằng cách lấy một chiếc đũ chọc sâu vào phần thịt của đùi gà, rút đũa ra thấy không có nước đỏ hồng chảy ra là được. Vớt gà ra một bát lớn có chứa nước đá lạnh trong 1 phút hoặc lâu hơn chút rồi để gà nguội hoàn toàn.
Bước 3: Trong khi đợi gà nguội, cho phần trắng của cây hành lá đã băm nhuyễn cùng gừng, dầu ăn và muối trộn đều với nhau.
Chặt thịt gà thành các miếng vừa ăn.
2. Chả trứng ngũ sắc
Nguyên liệu:
- 100 gr thịt heo xay
- 200 gr tôm không vỏ
- 4 cái mộc nhĩ thái sợi, 1/2 củ cà tốt thái nhỏ, 1 nhánh hành hành lá thái nhỏ, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 chút bột nêm
- 2 lòng đỏ trứng gà đánh tan cùng chút xíu nước mắm
- 2 lá rong biển, 1 muỗng canh tinh bột bắp
Cách làm:
Bước 1: Tôm rửa sạch, để vào ngăn đá tủ lạnh 30 phút, sau đó cho vào máy xay nhuyễn. Cho thịt chung các gia vị vào xay thật nhuyễn, có độ dẻo và dai.
Bước 2: Cho thịt và tôm xay ra tô cùng mộc nhĩ, cà rốt, hành và bột bắp, mang bao tay trộn đều.
Bước 3: Bắc chảo lên bếp, thêm ít dầu, đun nóng. Khi dầu nóng, cho trứng vào chiên vàng. Trứng chín thì cho ra đĩa.
Bước 4: Sau đó cho trứng lên mành cuộn rồi đặt lá rong biển lên. Cho hỗn hợp thịt xay vào, dàn đều ra và cuộn tròn lại. Độ to hay nhỏ của cuộn chả tùy ý nhé. Rồi lấy giấy bạc gói cây chả lại.
Bước 5: Nấu nồi nước sôi, cho cuộn chả rong biển vào hấp 25 phút. Thời gian dài hay ngắn đều phụ thuộc vào cuộn chả to hay nhỏ.
Sau đó, chờ chả trứng ngũ sắc nguội, thái khoanh xếp ra đĩa, trang trí dưa leo và xà lách cho đẹp.
3. Xôi hai màu
Nguyên liệu:
- Gạo nếp: 400 g
- Nước cốt dừa
- Muối: 1 ít
- Gấc: 1 quả,
- Dành dành: 1 quả (Quả dành dành là một vị thuốc quý, nhân quả già có màu vàng rất đẹp dùng để nhuộm vàng bánh trái và thức ăn)
- Vừng rang: 1 ít, dừa bào sợi: 1 ít
Cách làm:
Bước 1: Gạo nếp vo sạch, chia làm 2 phần bằng nhau.
Bước 2: Gấc bổ đôi lấy phần thịt gấc trộn với 1 thìa rượu trắng, bóp cho phần thịt gấc và hạt tách riêng.
Bước 3: Gạo nếp trắng ngâm khoảng 6-10h hoặc ngâm qua đêm, sau đó đổ ra rổ để ráo và trộn với thịt gấc. Trộn đều để thịt gấc phôi màu ra phần gạo nếp.
Bước 4: Quả dành dành ngâm nước ấm đến khi dành dành phôi màu vàng, lọc lấy nước bỏ hạt.
Bước 5: Ngâm gạo nếp với nước dành dành, ngâm khoảng 6-10 h hoặc ngâm qua đêm.
Bước 6: Sáng hôm sau cho gạo nếp vào xửng hoặc dùng trõ nấu xôi, đồ xôi chín, thời gian đồ xôi cách nhau khoảng 30 phút, thêm 2 thìa dầu ăn hoặc mỡ gà để xôi có độ bóng đẹp. Xôi chín cho xôi vào khuôn, nén chặt rồi từ từ để vào đĩa, rắc thêm ít vừng và dừa bào sợi là xong.
Màu đỏ của gấc và màu vàng của dành dành sẽ luôn đem lại may mắn cho gia đình bạn trong những ngày đầu năm này nhé!
4. Canh măng ngon
Nguyên liệu:
- Măng khô (dùng măng lá hay măng lưỡi lợn tùy theo sở thích của gia đình bạn). Măng khô bạn ngâm với nước vo gạo từ 3-5 ngày để măng nở và loại bớt độc tố. Nhớ ngày thay nước vo gạo ngâm măng 1-2 lần mỗi ngày.
- Móng giò
- Sườn
- Hành lá, mùi tàu, rau mùi và một ít miến.
Cách làm:
Bước 1: Móng giò và sườn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Sau đó đem chần trong nồi nước sôi có cho xíu muối, sau đó xả lại dưới vòi nước sạch.
Bước 2: Măng đã ngâm nở, cắt và xé miếng vừa ăn. Bỏ bớt đi những phần bấm móng tay vào thấy sơ, cứng quá vì già. Luộc măng lại 2-3 lần để khử bớt độc tố và cũng giảm bớt thời gian ninh nấu.
Bước 3: Sau khi luộc măng xong để ráo nước rồi cho măng vào xào. Khi xào nêm ít mắm và hạt nêm cho ngấm vị.
Bước 4: Cho móng và sườn vào nồi hầm, cho ít mắm vào cùng rồi đảo một lúc cho sườn với móng được ngấm vị. Tiếp đến mới chế lượng nước đủ ăn vào nồi để nấu. Để nước sôi, bạn hớt sạch phần bọt váng ở xương tiết ra để nước canh được trong, ngon.
Bước 5: Hớt xong bọt bạn cho phần măng xào vào nồi canh xương và tiến hành đậy nắp nồi áp xuất để ninh nấu.
Thường dùng măng lá thì ninh nấu sẽ nhanh hơn măng lưỡi lợn nên thời gian ninh chỉ cần từ 20-30 phút là măng đã nhừ. Bạn mở nắp nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng ăn.
Bước 6: Trước khi bắc ra khỏi bếp bạn thả nắm miến đã ngâm qua nước để ráo vào nồi. Miến mềm bạn vớt ra để riêng ra bát, chú ý đừng để bị nhũn miến ăn sẽ mất ngon.
Bước 7: Thả hành củ, rắc hành lá, mùi tàu thái nhỏ vào canh rồi múc ra bát. Múc ra xong bạn cho ngay phần miến đã chuẩn bị lúc nãy lên trên cùng và ăn nóng.
Món canh măng miến này ít khi thiếu vắng trong ngày Tết
5. Thịt bò xào ớt
Nguyên liệu:
Làm thịt bò:
- 150g thịt bò, loại ngon, cắt thành các dải mỏng
- 1.5g baking soda
- 10ml xì dầu; 2.5ml dầu mè; 5ml bột ngô; 5ml dầu ăn
Các phần còn lại của món ăn:
- 30ml dầu ăn; 3 tép tỏi, thái lát; 8 quả ớt loại để xào, dài, thái thành các dải dài nhỏ; 1 1uar ớt đỏ (loại để xào), cùng thái dải dài.
- 15ml rượu; 2.5g muối; 5ml xì dầu; tiêu trắng
Cách làm:
Bước 1: Thịt bò thái thành các dải mỏng, dài.
Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu làm thịt bò vào trong một bát lớn, trộn đều và để ướp trong 30 phút ở nhiệt độ phòng.
Bước 3: Khi ướp xong, thêm dầu ăn vào chảo để ở lửa to cho đến khi dầu nóng bốc khói. Cho thịt bò vào đảo cho đến khi chín vàng. Nếu chảo mỏng thì thịt bò sẽ có chút xém vàng rất đẹp. Tắt bếp, cho thịt bò ra bát riêng, để lại một ít dầu trong chảo.
Bước 4: Đun nóng chảo trở lại ở lửa lớn, thêm tỏi và ớt vào xào. Xào khoảng 20 giây sau đó cho rượu vào.
Xào thêm 20 giây nữa rồi thêm thịt bò vào. Thêm ít muối, đường, nước xì dầu và hạt tiêu. Bật bếp cho lửa mức cao nhất rồi xào thêm 1-2 phút là được.
Nếu bạn thích nướng sốt nhiều hơn một chút thì thêm xíu nước. Cho thịt bò xào ớt ra đĩa rồi thưởng thức nhé!
6. Chè kho
Nguyên liệu:
- 200gr đậu xanh không vỏ
- 130-150gr đường (bạn nào thích ngọt thì cho thêm)
- 30ml nước cốt dừa
- 1 chút xíu muối
- 2 lá dứa hoặc lá nếp
- Mè rang vàng.
Món chè tuy rất dân dã nhưng lại đậm đà tình quê hương
Cách làm:
Bước 1: Đậu xanh vo sạch, ngâm với nước ấm ít nhất 5 tiếng. Sau đó xả qua nước lạnh thật sạch.
Bước 2: Đậu xanh cho vào xửng cùng lá nếp, hấp 25 - 30 phút cho đậu chín. Sau đó cho vào máy xay nhuyễn.
Bước 3: Đậu xanh đã xay, đường, muối, nước cốt dừa cho vào chảo trộn đều, bắc lên bếp sên nhỏ lửa (khác với món chè kho truyền thống là cho nước, mình thay thế bằng nước cốt dừa, món chè kho sẽ đem lại hương vị lạ miệng).
Bước 4: Sên cho đến khi nào đậu xanh quyện thành một khối không dính chảo là được.
Bước 5: Cho chè vào khuôn bánh trung thu hay bất cứ khuôn bào bạn có, ấn mạnh, rồi lấy ra xếp lên dĩa. Rắc mè rang lên mặt.
Trình bày: Chè kho cho ra dĩa, khi ăn dùng dao cắt từng miếng. Đảm bảo với cách nấu chè kho này, cả nhà sẽ có món ăn thơm ngon, hấp dẫn, ngọt ngào.