Vì sao gần 90% thí sinh có điểm Tiếng Anh dưới trung bình?

“Với một kỳ thi quốc gia mà có tới gần 90% học sinh trượt môn học của mình thì không một người thầy nào không cảm thấy thất vọng”, thầy Nguyễn Quốc Hùng M.A, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội bày tỏ.

Vì sao gần 90% thí sinh có điểm Tiếng Anh dưới trung bình? - 1

Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng M.A 

Trong phổ điểm các môn thi do Bộ GD-ĐT công bố, môn Tiếng Anh có gần 90% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: “Liệu đề thi có quá sức? hay chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong nhà trường thời gian qua “có vấn đề”?

Sẽ phải thay đổi cách dạy và học

Nói về tỷ lệ thí sinh có điểm thi Tiếng Anh kém, Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng M.A bày tỏ: “Với một kỳ thi quốc gia mà có tới gần 90% học sinh trượt môn học của mình và xảy ra nhiều lần thì không một người thày nào không cảm thấy thất vọng”.

Theo thầy Hùng, đứng trước một kết quả kém mối quan tâm đầu tiên là vấn đề ra đề thi. Đề thi năm 2016 là một đề đã tiếp cận được phương pháp ra đề thi quốc tế về mặt loại hình.

Ngoài ra đây là đề thi tích hợp, sử dụng cho cả tốt nghiệp phổ thông lẫn tuyển sinh đại học. Nó buộc phải bao gồm hai phần (không phân biệt về hình thức): những câu dễ và trung bình dành cho tốt nghiệp và một số câu khó hơn dành để tuyển chọn.

“Trong đề thi, trên một nửa số câu là dễ và trung bình mà học sinh vẫn không vượt qua được thì lỗi không phải của người ra đề”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Do đó, theo thầy Nguyễn Quốc Hùng, để có thể có được sự chuyển biến tích cực cần quan tâm đến phương pháp học cho học sinh (học sinh đã thực sự học nghiêm túc chưa, nhất là ở cấp THPT). Đặc biệt, cần loại bỏ những hiện tượng tiêu cực như: chạy điểm, điểm phong bì, điểm thành tích, học thêm sai hướng, luyện thi sai hướng…

Vì sao gần 90% thí sinh có điểm Tiếng Anh dưới trung bình? - 2

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016

Trong khi đó, cô Nguyễn Khánh Linh, Tổ Tiếng Anh trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) nhận xét, 90% học sinh đạt điểm dưới trung bình môn ngoại ngữ là con số khá cao, phản ánh trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông còn tương đối thấp.

Tuy nhiên, do kỳ thi chung nên đề thi buộc phải đảm bảo có những phần cơ bản dành cho thí sinh tốt nghiệp đồng thời có những phần nâng cao cho các thi sinh vào đại học. Phần cơ bản trong đề thi chỉ chiếm khoảng 40%, vì vậy học sinh đạt điểm dưới trung bình là hoàn toàn có thể hiểu được.

Cũng theo cô Linh, cấu trúc đề thi môn Ngoại ngữ có sự thay đổi về kiến thức, kỹ năng được đánh giá mang tính tính cực.

“Sự thay đổi trong đề thi sẽ giúp các phần khó như viết, đọc được tập trung nhiều hơn trong chương trình học. Chúng ta có thể thấy với các kỳ thi chuẩn quốc tế như IELTS, TOEFL, người thi cần phải học cả 4 kỹ năng. Vì vậy, nếu các bạn muốn vươn ra quốc tế, các bạn phải đủ điều kiện theo chuẩn quốc tế”, cô Linh đề xuất.

Do đó, chúng ta nên coi đây là 1 cơ hội để cải thiện khả năng ngoại ngữ của học sinh. Đề thi theo cấu trúc mới sẽ thay đổi cách dạy và cách học của học sinh và giáo viên. Học sinh không chỉ tập trung ở ngữ pháp mà còn tập trung nhiều vào các kỹ năng. Điều này, về lâu về dài sẽ mang lại lợi ích.

Đề thi vượt xa chương trình học

Cô Đinh Đại Ngọc, Phó Hiệu trưởng trường THCS Ngôi Sao Hà Nội cho rằng, phổ điểm này là chính xác. Bởi nếu theo chương trình học, thời gian thi và điểm số như hiện nay thì học sinh cũng chỉ làm được 3 điểm. Trong khi đó, đề thi hoàn toàn từ vựng, vốn từ vựng, ngữ pháp, kiến thức vượt xa rất nhiều so với chương trình học trong SGK.

“Học sinh để thi được, làm được đề thi này thì phải học thêm rất nhiều. Chương trình tiếng Anh trong sách giáo khoa chỉ đáp ứng được kiến thức cơ bản”, cô Ngọc nói.

Cùng quan điểm, TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho biết, mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam chưa tốt nên điểm thi tiếng Anh thấp hơn điểm các môn khác cũng là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, theo thầy Minh, thời gian 90 phút cho đề thi Tiếng Anh năm nay sẽ không nhiều thí sinh làm trọn vẹn. Đề thi gồm 64 câu trắc nghiệm, với 2 bài đọc và 1 bài điền từ, theo thông lệ của các bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế thì khoảng 1-1,25 phút/câu hỏi trắc nghiệm. Thời lượng sẽ tốt hơn cho thí sinh nếu là 100-105 phút.

“Nếu đề thi dành cho đánh giá học sinh giỏi, năng khiếu, hay đề thi để tuyển sinh vào đại học thì thời gian hạn chế có thể giúp phân loại thí sinh tốt hơn. Nhưng đối với đề thi tốt nghiệp thì thời lượng không đủ khiến học sinh không có điều kiện để thể hiện hết năng lực. Thực tế nhiều thí sinh bị 0 điểm phần tự luận và đa số bỏ trắng bài viết đoạn văn là minh chứng cho điều này”, thầy Minh cho hay.

Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng M.A là một trong những chuyên gia về giảng dạy Tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam với 34 năm công tác và giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 25 năm xây dựng các chương trình Tiếng Anh trên truyền hình.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng là giảng viên đầu tiên của Việt Nam được nhà nước Việt Nam cử sang Anh để đào tạo bài bản về dạy tiếng Anh qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông nói: “Học tiếng Anh cũng như học bơi, nếu không có phương pháp thì không thể bơi xa, bơi đúng được. Ông khuyên mọi người không nhất thiết phải học tiếng Anh nhiều giờ trong một ngày, nhưng hàng ngày phải dành ít nhất 10-15 phút cho việc học tiếng Anh. Nghe, nói, đọc, viết hay học từ mới tùy bạn nhưng phải thành một thói quen học hàng ngày. Khi đã thành thói quen rồi thì tiếng Anh như là một phần của bạn, bạn có thể sử dụng nó bất cứ khi nào bạn muốn.”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN