Tuyển sinh ĐH, CĐ: Sẽ có 3 đến 4 mức điểm xét tuyển

Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ có 3 đến 4 mức điểm xét tuyển đại học, cao đẳng 2014 đối với kỳ thi xét tuyển 3 chung. Việc này nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học.

Theo Bộ GD-ĐT, sau khi ban hành thông tư 06 ngày 11/3/2014, sửa đổi bổ sung một số quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều đề xuất về phương án xét tuyển từ nhiều chuyên gia. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các trường, Bộ dự kiến ban hành quy định về công tác xét tuyển trong tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy như sau:

Các trường có đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ xác nhận đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy thì tổ chức xét tuyển theo các quy định tại đề án.

Xét tuyển theo kỳ thi chung của Bộ:

Về phía Bộ, hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi. Trong đó, có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.

Đối với các trường đại học, cao đẳng, trước trước ngày 20/5 hằng năm, nếu thấy cần thiết, các trường tự quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Sẽ có 3 đến 4 mức điểm xét tuyển - 1

Thí sinh dự thi kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013 (Ảnh minh họa: Đức Nguyễn)

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản:

Đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học (đối với các trường đại học) hoặc mức xét tuyển cơ bản vào cao đẳng (đối với các trường cao đẳng) mà Bộ đã công bố.

Các trường, ngành đã công bố môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.

Giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển này (điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính chia cho 4) không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào học đại học (mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học chia cho 3, đối với các trường đại học). Hoặc giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào cao đẳng (mức điểm xét tuyển cơ bản vào cao đẳng chia cho 3, đối với các trường cao đẳng) đã được Bộ công bố.

Tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Bộ GD-ĐT giải thích, mục đích của quy định xét tuyển này nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh. Đồng thời, từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học, giúp cho thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, ngành để chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực. Việc công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường đại học, cao đẳng nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học.

Bộ cho phép các trường tự xác định môn chính trong từng khối thi phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng ngành đào tạo nhằm đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, tạo điều kiện cho các trường xét tuyển thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo.

Việc cho phép các trường quy định điểm xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có một môn nhân hệ số 2) với điều kiện trung bình điểm xét tuyển này không thấp hơn trung bình mức điểm cơ bản tối thiểu. Điều này tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh có năng lực tốt hơn đối với môn thi chính.

Sự khác biệt của quy định xét tuyển này với quy định về điểm sàn trước đây nhằm phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỉ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức nào phù hợp, qua đó khẳng định uy tín của trường trong xã hội. Ngoài ra, đưa ra nguyên tắc để các trường tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo mà quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN