Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Coi chừng thí sinh ảo!

Các trường ĐH cho rằng một số điểm mới theo dự thảo có thể phát sinh nhiều tình huống rắc rối trong khâu tiếp nhận hồ sơ xét tuyển.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016. Đáng lưu ý trong đợt 1, thí sinh (TS) được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) tối đa vào hai trường, trong đó mỗi trường không quá hai ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký. Vào năm 2015, trong đợt 1 xét tuyển, TS chỉ được nộp vào một trường cho bốn ngành và được quyền rút hồ sơ khi thấy lựa chọn không an toàn.

Bộ GD&ĐT cho rằng thay đổi trên giúp khắc phục bất cập trong xét tuyển 2015, đảm bảo các TS được chọn ngành học theo sở thích, thay vì chọn suất vào ĐH, bỏ qua ngành mình định hướng từ đầu.

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2016: Coi chừng thí sinh ảo! - 1

 Thí sinh chạy đua nước rút nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH năm 2015. Ảnh: P.ĐIỀN.

Lo ngại tăng tỉ lệ thí sinh ảo

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc điều chỉnh này về trực quan có lợi cho TS khi ĐKXT vào các trường, cụ thể là rộng đường lựa chọn và định hướng nghề nghiệp tốt hơn. TS không đi lại nhiều do ĐKXT trực tuyến và qua bưu điện, thay vì đến nộp trực tiếp ở các trường mất thời gian, chi phí. Ngược lại, cách làm này sẽ tăng thêm gánh nặng cho các trường do xác suất hồ sơ ảo tăng lên rất lớn, so với việc TS chỉ được đăng ký vào một trường với bốn ngành như kỳ tuyển sinh năm 2015. “Dự báo kỳ tuyển sinh năm nay các trường sẽ phải tập trung lực lượng để xử lý hồ sơ ảo và xác nhận hồ sơ qua bưu điện lớn hơn so với năm 2015” - ông Thanh đánh giá.

Do năm nay TS nộp hồ sơ đăng ký rồi không được rút ra nên việc cập nhật liên tục, công bố thông tin đầy đủ cho TS là hết sức cần thiết. Qua đó TS mới nắm được phổ điểm các ngành để đưa quyết định đúng đắn khi ĐKXT vào các trường mình quan tâm vào thời điểm thích hợp nhất. Đồng thời cần có phương pháp kiểm soát, sàng lọc được hồ sơ nào đăng ký trực tuyến, hồ sơ nào gửi qua bưu điện. “Để khắc phục điều này cần hạ tầng các cổng thông tin phải đảm bảo chất lượng, an toàn. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng TS đợi đến giờ chót mới đồng loạt ĐKXT gây nghẽn mạng, sập mạng” - ông Thanh chia sẻ.

PGS-Tiến sĩ Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, lo ngại giả dụ TS cùng lúc gửi phiếu ĐKXT đến 10 trường thì làm thế nào, ai kiểm soát được. Nếu đăng ký trực tuyến còn có thể xử lý được dữ liệu nhưng có phải ai cũng đăng ký trực tuyến được đâu. “Một điểm tôi lo lắng là nếu cho TS đăng ký vào hai trường trong đợt 1 sẽ dẫn đến tỉ lệ ảo rất lớn, có thể tỉ lệ đó là 50%. TS có thể đỗ cả hai trường nhưng chỉ khi nào TS nhập học mới biết TS chọn trường nào, trong khi đó thời gian xét tuyển khá dài. Gọi TS nhập học như thế nào để đảm bảo đủ chỉ tiêu sẽ là câu chuyện nan giải” - ông Lập băn khoăn.

Lấn cấn tiêu chí ưu tiên

Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm khoảng cách điểm ưu tiên theo khu vực. Để công bằng đối với tất cả TS, bỏ việc ưu tiên khu vực theo hộ khẩu là hợp lý. Thực tế cho thấy hộ khẩu không nói lên được thật sự TS sống ở khu vực có điều kiện như thế nào. Nếu căn cứ vào trường mà  TS theo học ba năm học THPT để tính điểm ưu tiên sẽ hợp lý hơn.

Đối với nhóm đối tượng ưu tiên 1 sẽ phải đáp ứng điều kiện là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú trong thời gian học THPT trên 18 tháng tại khu vực 1. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, góp ý về vấn đề này, trong quá trình TS đăng ký thi THPT quốc gia Bộ cần xây dựng tiêu chí, có hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện, vì các trường rất khó xác định TS có 18 tháng liên tục tại khu vực 1 hay không. Điều này vừa đảm bảo công bằng ưu tiên và hạn chế những rắc rối phát sinh trong quá trình xét tuyển của các trường.

Về vấn đề này, PGS-Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết khi xây dựng dự thảo quy chế thi và tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ căn cứ vào đề nghị của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội và việc phân tích dữ liệu tuyển sinh của ba năm gần đây. Theo dữ liệu đã phân tích, nếu như không cộng điểm ưu tiên, đúng là tỉ lệ TS đạt điểm trên sàn ở khu vực 1, 2 giảm hẳn. Còn nếu cộng điểm ưu tiên thì tỉ lệ đạt trên sàn ở các vùng khó khăn tương đương với các khu vực thành thị (khu vực 3).

 

Coi chừng lặp lại hỗn loạn như năm ngoái?

Theo Tiến sĩ Lê Chí Thông, với thông tin đã công bố có thể hình dung việc ĐKXT qua hệ thống của Bộ, sau đó chuyển về các trường có thể sẽ lặp lại cảnh hỗn loạn như năm ngoái. Đồng thời, khả năng trường nào tải thông tin đăng ký về trước sẽ có TS và ngược lại nếu chậm chân sẽ bị thiếu hụt. Trường hợp thứ hai, TS cảm thấy đăng ký trực tuyến không chắc ăn nên cùng lúc nộp hai hồ sơ xét tuyển vào hai ngành cùng một trường thì lúc đó sẽ xử lý như thế nào, ưu tiên ngành nào đối với TS? Ngoài ra, TS đăng ký qua bưu điện thì việc phản hồi kịp thời đến TS là rất khó, do lúc đó số lượng hồ sơ rất lớn. Việc không có sự xác nhận sớm của trường sẽ làm tăng thêm lo lắng cho TS.

____________

Với dự thảo này, trước mắt TS có cơ hội chọn ngành mình yêu thích ở nhiều trường hơn. Tuy nhiên, Bộ cũng khống chế không cho rút hồ sơ khi đã nộp vào các trường. Điều này sẽ phát sinh tình trạng TS sẽ “cố thủ” theo dõi phổ điểm ở từng ngành, đợi vào giờ chót mới ĐKXT sẽ gây kẹt mạng, rối loạn khâu xét tuyển ở các trường.

Ông HOÀNG ĐỨC BÌNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Điền- Huy Hà (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN