Không thi tốt nghiệp THPT sau 2020?

Sau năm 2020, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp THPT, học sinh nào tích lũy đủ kiến thức thì được xét tốt nghiệp, không nhất thiết phải thi. Đó là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình (CT) - SGK mới, tại buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/4 tại Hà Nội.

Không thi tốt nghiệp THPT sau 2020? - 1

Sau năm 2020, học sinh có thể sẽ không phải thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Như Ý.

Theo Tổng chủ biên CT – SGK mới Nguyễn Minh Thuyết, trong nội dung của CT tổng thể, điều đáng chú ý nhất là đổi mới đánh giá kết quả giáo dục. Theo đó, việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện. Đánh giá định kỳ, do các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Trước câu hỏi của phóng viên  với quy định này, Bộ có khẳng định học sinh THPT sẽ không phải thi tốt nghiệp không, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Ban soạn thảo cùng với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi CT mới này được triển khai đến cấp THPT. “Do đó, từ nay đến 2020 vẫn ổn định thi THPT quốc gia. Sau đó, khi CT mới triển khai đến hết cấp THPT, học sinh nào tích lũy đủ kiến thức thì được xét tốt nghiệp, không nhất thiết phải thi” – GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

Trong dự thảo CT tổng thể, GS Thuyết cũng cho hay các môn học bắt buộc được giảm tối đa và đảm bảo mục tiêu phân luồng mạnh sau THCS, hướng nghiệp sau THPT nên tập trung vào những môn định hướng nghề nghiệp. Ở bậc THPT có 6 môn học bắt buộc thì chỉ có 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 thời lượng học nhiều, 3 môn còn lại thời gian học mỗi tuần rất ít. “Ban đầu dự kiến Toán, Ngữ văn là môn tự chọn bắt buộc. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia thì chúng tôi giữ lại. Các nước phát triển, tỷ trọng thời gian học của môn Ngữ văn  là 16%, môn Toán 13%, Ngoại ngữ là  12%… Chúng tôi phân bổ thời gian tương đương CT của nước ngoài” – GS Thuyết cho hay.

Đối với các môn tự chọn, theo GS Thuyết để cho học sinh tự chọn tốt hơn. Ban soạn thảo cũng đã khảo sát  hơn 2.000  học sinh của 5 trường thuộc Hà Nội, Hải Dương, Nam Định thì kết quả là các em chọn tương đối trúng. Môn chọn cao nhất là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn. Sắp tới sẽ có khảo sát toàn quốc để đưa ra phương án cuối cùng.

Không thi tốt nghiệp THPT sau 2020? - 2

Theo CT-SGK mới, học sinh phổ thông sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Liệu có khả thi?

Là người tham gia hai CT tổng thể (cũ – hiện hành và mới), GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết để CT thành công phải có các điều kiện đi kèm. Đối với đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT đã có chuẩn bị, đó là đề án phát triển các trường sư phạm và đề án giáo viên. Nhưng dư luận cũng băn khoăn với việc giảm môn học, xuất hiện nhiều môn học mới, việc thừa, thiếu giáo viên sẽ giải quyết thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng CT đào tạo tại các trường sư phạm đã có thay đổi để thích hợp với đổi mới của phổ thông. Vấn đề bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũ cũng đã được tính đến. “Với CT mới, cả nước có khoảng 2.700 trường THPT, cần khoảng 5.400 giáo viên môn âm nhạc và mỹ thuật – là hai môn học mới xuất hiện tại bậc THPT- về nguồn tuyển không đáng lo, còn về biên chế, Phó Thủ tướng cũng đã hứa có giải pháp cho vấn đề này” – GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định. Tuy nhiên, điều ông lo lắng là về cơ sở vật chất để đáp ứng việc dạy và học CT mới. Vì vấn đề này nằm ngoài “tầm tay” của Bộ GD&ĐT, mà phụ thuộc vào các địa phương. Chính vì vậy, GS Thuyết đề nghị sự vào cuộc của Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố để tháo gỡ khó khăn này. Ông cho biết, các điều kiện đáp ứng sẽ được hoàn thiện dần. Với các tỉnh khó khăn, năm đầu tiên triển khai CT mới, cấp tiểu học, lớp 1 phải được học hai buổi/ngày. Sau khi thực hiện cuốn chiếu xong từ lớp 1 đến lớp 5, 100% các trường tiểu học trên cả nước phải được học 2 buổi/ngày.

Không thể 63 Sở là 63 bộ SGK

Về lộ trình thực hiện, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tháng 9 tới nếu CT tổng thể được phê duyệt thì Ban soạn thảo “hứa” sẽ đưa CT-SGK mới vào dạy đúng năm học 2018-2019. Vì hiện nay, CT bộ môn cũng đang được làm song song. Cùng với đó, Ban soạn thảo cũng đã tiến hành dạy  thử nghiệm CT mới. Hơn nữa, tại các cấp học, CT-SGK mới được dạy theo hình thức cuốn chiếu nên GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng vẫn kịp mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Về vấn đề viết SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết một hai tháng nữa, Bộ cho công bố thông báo mời các tổ chức cá nhân đăng ký viết SGK.  Họ có thể liên hệ với Ban soạn thảo để nắm được các thông tin về CT mới. “Chúng tôi cũng được biết có nhiều tổ chức đang thực hiện việc biên soạn SGK rồi. Vậy cơ quan quản lý nhà nước có được viết SGK không? Bộ đang làm thông tư hướng dẫn về vấn đề này nhưng tinh thần chung là các tổ chức nhà nước không biên soạn SGK. Vì nếu mỗi sở  GD&ĐT biên soạn một bộ SGK thì sẽ có 63 bộ SGK của 63 sở, rồi Sở nào dạy SGK của Sở đó thì không khách quan, không có chuẩn chung” – GS Thuyết nói.

- Cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ;  Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

- Cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý;  Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo;  Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

- Cấp THPT, lớp 10, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh; Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

- Lớp 11 và lớp 12, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập; Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN