Không hạn chế trường đại học tuyển sinh chung

Ngày 7-4, nhóm các trường ĐH xét tuyển chung ngày đã chính thức thông báo về việc thực hiện đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường.

Không hạn chế trường đại học tuyển sinh chung - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 - Ảnh: TẤN THẠNH

Các trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thủy lợi, Ngoại thương, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Mỏ - Địa chất và Học viện Ngân hàng lập chung một nhóm lấy tên là GX.

Tại cuộc họp báo ngày 7-4, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, đơn vị chủ trì đề án, cho hay nguyên tắc xét tuyển chung là sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển; sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do Trường ĐH Bách khoa chủ trì chịu trách nhiệm quản lý; áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký xét tuyển (được quy định trong đề án) và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

Thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 nguyện vọng trong đợt 1 và 6 nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm.

Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, Trường ĐH Thương mại và một số trường ĐH khác đang xem xét khả năng tham gia nhóm. Nhóm GX khẳng định không hạn chế số lượng các trường ĐH (những trường không tuyển sinh riêng theo đề án tự chủ tuyển sinh) cùng tham gia nhóm để nâng cao hiệu quả, tránh “ảo” trong tuyển sinh.

Thời hạn các trường đăng ký tham gia nhóm là trước ngày 22-4. Công việc sắp tới của nhóm là thành lập ban chỉ đạo tuyển sinh nhóm trường để chỉ đạo thực hiện các khâu kỹ thuật của công tác xét tuyển. Khi được hỏi về những khó khăn khi tuyển sinh chung theo nhóm trường, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa khẳng định khó khăn nhất là về kỹ thuật nhưng vấn đề này sẽ được trường giải quyết.

Ngoài 10 trường ĐH lớn phía Bắc, ĐH Đà Nẵng cũng đang xây dựng đề án tuyển sinh chung. Ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết đề án hiện đang được bộ xem xét và yêu cầu chỉnh sửa một số điểm để hoàn thiện hơn.

Theo ông Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề án tuyển sinh chung của trường chỉ áp dụng cho các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Phương thức xét tuyển của trường cũng có nhiều điểm tương đồng với phương án của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng khác nhau vào 4 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng thay vì chỉ được đăng ký tối đa 2 trường như quy chế của bộ quy định. Thí sinh được quyền sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu đủ điểm đỗ vào ngành ưu tiên trên sẽ không được xét tiếp vào ngành dưới.

Ông Vinh cho rằng đề án này sẽ giúp thí sinh thêm nhiều cơ hội trúng tuyển, nhất là với những thí sinh có mức điểm trung bình.

Đề thi mở, gắn với thực tiễn

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Văn Nghĩa thông báo năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố đề thi minh họa THPT quốc gia. Đề thi năm 2016 về cơ bản ổn định như năm 2015, gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao nên thí sinh có thể tham khảo đề minh họa năm ngoái. “Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 và bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ)” - ông Nghĩa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN