Kết thúc xét tuyển đợt 1: Đau đầu xác định điểm chuẩn

Hôm qua (12/8) là ngày cuối cùng thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH. Theo các chuyên gia giáo dục, việc cho thí sinh được đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu để đảm bảo quyền lợi thí sinh. Trong khi đó, các trường ĐH thì đau đầu chống “ảo”.

Kết thúc xét tuyển đợt 1: Đau đầu xác định điểm chuẩn - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học tại TPHCM.

Lo chống ảo

17h hôm qua, dữ liệu của nhóm GX được đưa về ĐH Bách khoa Hà Nội để xử lý. Theo ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi, nhóm đã họp trước đó và để đảm bảo không có chuyện hồ sơ của thí sinh gửi qua đường bưu điện đến sau khi đã biết điểm chuẩn, nhóm GX thống nhất sẽ niêm phong toàn bộ số dữ liệu này.  “Việc xác định điểm chuẩn để tránh hụt chỉ tiêu, thừa chỉ tiêu là lo lắng, băn khoăn trăn trở nhất của các trường trong nhóm GX” - ông Thụ nói.

Cũng theo ông Thụ, ngoài NV1, các trường còn có thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác. “Ví dụ như thí sinh trượt trường tốp cao, các em sẽ bị đẩy về trường tốp thấp hơn. Do đó, với những thí sinh đã đăng ký NV1 ở trường thấp nhưng khả năng bị “bật bãi” vẫn có thể xảy ra.Vì vậy, năm nay rất khó phán đoán” - ông Thụ khẳng định

Đại diện trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết dù trong nhóm GX đã lọc ảo được rất nhiều nhưng nhà trường rất lo về tình trạng ảo, vì không thể biết ảo thế nào chính là bài toán phức tạp và nan giải nhất. Tỷ lệ hồ sơ ảo rất cao, có thể lên tới 50% nên khó xác định bởi các trường xét tuyển theo nhiều hình thức.

Phân tích về quá trình xét tuyển năm nay, ông Trịnh Minh Thụ cho biết thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi trong đăng ký xét tuyển.  Vì mỗi thí sinh được đăng ký ít nhất 2 trường 4 ngành và đăng ký bằng 3 con đường.

Tuy nhiên, bất lợi là thí sinh sẽ vẫn phải “đánh cược” với lựa chọn của mình. Năm 2015, thí sinh có thể chuyển sang trường khác nếu biết không đỗ, khả năng trúng tuyển cao hơn. Còn năm nay, hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của thí sinh. “Năm nay, dù lựa chọn ngành cao hay ngành thấp thì thí sinh muốn lựa chọn ngành tương đối với mức điểm mình có. Ví dụ, được 24 điểm, thí sinh phải chọn ngành nào xứng tầm với 24. Chứ ít thí sinh đăng ký vào ngành 17, 18 điểm” - ông Thụ cho hay.

Từ  những phân tích trên, theo ông Thụ, năm 2017, nếu vẫn sử dụng phương án tuyển sinh này thì nên công khai dữ liệu tuyển sinh cho các trường. Để trên cơ sở đó, đội ngũ tư vấn của các trường có thông tin để tư vấn cho thí sinh, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh. 

“Nhưng tôi thấy nên giao tốt nghiệp THPT cho các sở GD&ĐT. Còn bộ nên tổ chức một kỳ thi như 3 chung trước đây. Cho đến nay, tôi thấy 3 chung vẫn là một kỳ thi tốt, minh bạch. Trường nào không lấy kết quả này thì đã có đề án tuyển sinh riêng” - ông Thụ chia sẻ.

Còn ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp cho rằng năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các thí sinh được đăng ký hai trường là tạo cơ hội cho thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, các trường lại bị ảo. Do đó, từ năm sau, nếu muốn đợt xét tuyển sinh ĐH diễn ra như mong muốn của các thí sinh và các trường thì phải có giải pháp đồng  bộ. 

Nhiều trường sẽ tuyển thêm chỉ tiêu

Hôm qua (12/8), ghi nhận tại TPHCM, một số trường đại học công lập cơ bản sẽ không tuyển thêm đợt 2. Trong khi đó, ở khối ngoài công lập nhiều trường cho biết sẽ tiếp tục tuyển sinh trong đợt 2 do lượng hồ sơ đợt 1 khá thấp. Tính đến hết ngày 12/8 trường Đại học Lạc Hồng nhận được hơn 1.200 hồ sơ (trên 50% chỉ tiêu). Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng trường cho biết: “Với lượng hồ sơ này chắc chắn trường sẽ tuyển sinh thêm đợt tiếp theo và điểm chuẩn dự kiến sẽ bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT”.

Trường Đại học Văn Hiến hôm qua cũng nhận được gần 3.400 hồ sơ, trong đó, có 65% xét học bạ, 35% xét tuyển bằng điểm thi. Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, Trưởng phòng truyền thông và sự kiện trường cho biết, “trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đợt tiếp theo với 1.500 chỉ tiêu”, Thạc sĩ Anh nói.

Tương tự, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết sẽ tiếp tục tuyển sinh thêm đợt hai. Cụ thể, trường Đại học Nguyễn Tất Thành tính đến chiều qua đã tiếp nhận hơn 6.800 hồ sơ xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và theo học bạ THPT cho tất cả các ngành. Trong đó, hơn 1.400 thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 5.410 hồ sơ xét tuyển theo học bạ THPT. Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng nhận được 2.200 hồ sơ/4.000 chỉ tiêu; Đại học Kinh tế - Tài Chính TPHCM nhận được 1.100 hồ sơ/1.350 chỉ tiêu…

Trao đổi về kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, chắc chắn xảy ra tình trạng ảo cho nên Bộ mới khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Ngoài ra, ngay sau khi kết thúc thời gian đăng ký xét tuyển, các trường sẽ tải toàn bộ dữ liệu của trường mình về để xử lý. Bộ GD&ĐT thống kê ra những ngành, trường thí sinh đăng ký để giúp các trường phán đoán được thí sinh trúng tuyển sẽ học trường nào để từ đó trường quyết định ngưỡng điểm chuẩn cho phù hợp với các ngành.

Các trường cũng không phải chờ đến khi thí sinh nhập học mới biết được số lượng thí sinh chính thức vào học trường mình mà chỉ 5 ngày sau khi công bố kết quả, nếu thí sinh không nộp giấy báo kết quả thi (hạn chót là hết ngày 19/8) thì xem như không nhập học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê- Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN