Sợ hãi cách trị mụn bằng nước rửa phụ khoa

Trị mụn bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ là cách làm đẹp của không ít bạn nữ sinh.

Có một bộ phận không nhỏ các bạn gái đang truyền tai nhau những phương pháp vô cùng lạ đời và thiếu khoa học. Với những hiệu quả mang tính may mắn bước đầu, nhiều bạn gái đã lầm tưởng trầm trọng về cách thức đó và vô tình tạo nên những "cơn sốt" làm đẹp phản khoa học thậm chí có thể gây hại cho làn da cũng như sắc đẹp.

Có thể kể ra một số cách làm đẹp kỳ lạ và viển vông mà các bạn gái đang thủ thỉ với nhau như trị mụn bằng dung dịch nước vệ sinh phụ nữ, làm da sáng hồng với thuốc tránh thai hay giảm cân bằng dấm.

Theo tìm hiểu, hiện nay trị mụn bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ (DDVSPN) là cách làm đẹp được rất đông các nữ sinh viên đại học yêu chuộng và thực hiện. Hồi cuối năm 2012, một sinh viên nữ năm cuối của trường Ngoại Thương từng gây sốc trên một diễn đàn phụ nữ có quy mô rộng khi chia sẻ bí quyết trị mụn của mình.

Nữ sinh viên này từng chia sẻ: "Sau 3 tháng sử dụng… dung dịch vệ sinh “đúng cách”, mặt mình hết sạch mụn, hết nhờn, da trắng hồng tự nhiên."

Cô thậm chí còn quảng cáo về DDVSPN hết sức nhiệt tình: " Đặc biệt nhờ vào chất lô hội có trong dung dịch vệ sinh phụ nữ (các loại sữa rửa mặt khác hoàn toàn không có đâu nhé, hoặc là các tuýt của Hàn Quốc có chất lô hội thường bán khoảng 400, 500 nghìn), nên giúp xẹp mụn nhanh, không để lại sẹo, giúp mặt bớt nhờn.

Rửa mặt bằng dung dịch vệ sinh, cũng không lo có mùi, vì rửa sạch một lúc là mùi tự bay hết. Mỗi lần rửa mặt xong mình đều thấy rất sảng khoái. Sau một tháng dùng, mình thấy da sáng hơn, mụn bớt đi rất nhiều, đặc biệt là bớt hẳn đau nhức do mụn gây nên."

Sợ hãi cách trị mụn bằng nước rửa phụ khoa - 1

Nữ sinh viên và chia sẻ bí quyết làm đẹp gây sốc (ảnh minh họa)

"Bài thuốc" của cô sinh viên năm cuối này đã gây nên làn sóng tranh cãi. Nhiều người bán tín bán nghi và những "nô lệ" của mụn trứng cá đã vội vã thử nghiệm ngay lập tức.

Không chỉ các nữ sinh đại học mà cả những nhân viên văn phòng cũng rỉ tai nhau phương pháp này. Chị T.H 35 tuổi đã kết hôn và có hai con, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Chị cho biết vì tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với máy vi tính và ngồi gần mười tiếng trong phòng kín nên da mặt chị rất xấu.

Mụn nhọt nổi nhiều ở má và trán khiến chị rất tự ti. Tuy nhiên, sau một lần "tám chuyện" với các đồng nghiệp, chị được nghe về cách trị mụn độc đáo này và thử áp dụng luôn. Sau 2 tháng rửa thường xuyên, chị vui mừng vì thấy mụn đã giảm đi nhiều, da cũng mịn hơn.

"Sau giờ nghỉ trưa, da mặt tôi rất nhờn. Tôi thường rửa vào lúc này. Nhưng không dám làm công khai mà phải "canh me" lúc nhà vệ sinh vắng người mới thực hiện vì ngại mọi người nhìn thấy mình rửa mặt bằng nước vệ sinh." Chị T.H tâm sự

Khi được hỏi, chị cho rằng có lẽ do nước vệ sinh phụ nữ có ít chất kiềm, vì vậy độ tẩy rửa là vừa phải, không “bào mòn” da, không gây hại.

Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, DDVSPN không phải thuốc trị bệnh. Đó chỉ là một dạng dung dịch tẩy rửa được đặc chế dành riêng cho việc vệ sinh phụ nữ. Bản thân dung dịch này là hóa chất, dùng nhiều quá sẽ không tốt cho cơ thể.

Sợ hãi cách trị mụn bằng nước rửa phụ khoa - 2

Các chuyên gia y tế khuyên phái đẹp cần thận trọng khi dùng DDVSPN như thuốc trị mụn (ảnh minh họa)

Việc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ cũng tương tự như cách dùng xà phòng, sau đó phải rửa lại bằng nước sạch.  Da ở mỗi khu vực trên cơ thể có những đặc điểm riêng và có độ nhạy cảm riêng, vì vậy, chúng cũng cần có chế độ chăm sóc riêng.

Bất kể sản phẩm chăm sóc da nào cũng đều được nghiên cứu phù hợp với từng loại da và vùng da trên cơ thể, vì vậy, việc sử dụng sai mục đích của sản phẩm chuyên dụng là điều tuyệt đối nên tránh.  

Mặt khác da mặt bị mụn tức là đã bị tổn thương và có nhiều vết thương hở. Trong khi đó các DDVSPN thường được khuyến cáo không dùng cho vùng da có vết thương hở. Các chuyên gia y tế khuyên phụ nữ cần thận trọng với yếu tố này trước khi sử dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc_Trai_Đen ([Tên nguồn])
Trị mụn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN