Thương nhớ cha mẹ nơi quê nhà

Sự kiện: Những tâm sự hay

Nhớ lắm, thương lắm người sinh thành đã tạo dựng cho tôi cuộc sống hạnh phúc, cơm no, áo ấm.

Trên bếp hồng rực lửa nồi cơm đang sôi ùng ục, cha gọi mẹ: "Bà coi chừng nồi cơm dùm tôi nghe bà, tôi đi làm cá cái". Cha lúc nào cũng vậy, chuyện nặng nhọc cha không bao giờ để mẹ con tôi làm, cha ôm hết vào mình. Ở cái tuổi ngũ tuần mà cha vẫn gồng vai nuôi gia đình, tính cha là vậy, cha giống nội y đúc từ ngoại hình đến tính cách là người ít nói nhưng chu đáo, quán xuyến mọi thứ từ trong ra ngoài.

Thương nhớ cha mẹ nơi quê nhà - 1

Cuộc sống tuy vất vả nhưng hạnh phúc

Trời cuối thu, những cơn mưa nặng hạt làm căn bệnh phong thấp khiến cha đau đớn, nhưng cha vẫn cố chịu, hàng ngày cha phải uống thuốc để xoa dịu cơn đau và tiếp tục công việc đồng án chuẩn bị vụ mùa mới.

Tuy gia đình khấm khá nhưng cha không lo hưởng thụ như những người khác, cha vẫn chăm chút làm lụng, bởi cái cảnh nghèo ngày xưa ám ảnh cha. Cái thời ăn chưa no, áo không có mặc và tình yêu cha dành cho mẹ chân thành, chất phác như người nông dân yêu cây lúa vậy, luôn chăm sóc, nâng niu như một vật vô giá.

Ngày cưới, cha không cho mẹ được quần áo đẹp, cũng không có đôi bông tai bởi nhà nội rất nghèo, đông con nên không cho mẹ được món gì có giá trị, nhưng bù đắp lại mẹ được mọi người thương yêu. Ngày trình lễ đón dâu chỉ có mâm trầu cau, một xị rượu, một gói trà được gói bằng miếng giấy quyến màu đỏ, mẹ mặc bộ áo bà ba màu tím sen trong ngày đón dâu, cha trong bộ bà ba nâu bạc màu và đón dâu đi trên cánh đồng vừa gặt. Tất cả mộc mạc, giản dị nhưng tình cảm dành cho nhau rất chân thành.

Cuộc sống có vợ con giúp cha có động lực phấn đấu làm ăn, những buổi dậy sớm khoảng hai giờ sáng đi soi cá ở trên đồng, mẹ thì được ngủ thêm chút nhưng đúng ba giờ phải dậy cắt rau muống bó lại mang ra cho kịp buổi chợ. Mái nhà lụp xụp, xung quanh dựng lá còn trong nhà dùng bao bì chứa lúa nối lại đóng thành màng. Mẹ nhận đan lưới về nhà, cha đi thùng tuốt lúa để kiếm từng đồng chắt chiu, rồi sắm một đàn gà nuôi lớn bán thịt, mẹ gói bánh dừa mang bán khắp sớm. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hạnh phúc và hạnh phúc nhất là khi tôi chào đời.

Thương nhớ cha mẹ nơi quê nhà - 2

Ở cái tuổi ngũ tuần mà cha vẫn gồng vai nuôi gia đình

Những buổi đi làm đồng mẹ cha mang tôi theo để trên bờ ruộng, cha che tạm chòi nhỏ rồi bỏ tôi vào đó. Những ngày tháng cơ cực ấy vẫn còn hằn sâu trong kí ức, từng vất vả của cha mẹ như thước phim quay chậm, thật chậm trong tôi.

Nhớ lắm, thương lắm người sinh thành đã tạo dựng cho tôi cuộc sống hạnh phúc, cơm no, áo ấm. Bây giờ là sinh viên, lại luôn khiến cha vất vả, những bữa cuối tuần về nhà, cha lại đèo sau lưng, tôi nhận ra cha già thật rồi, những nếp nhăn hiện rõ, mái tóc bạc dần, cha ốm yếu, tiều tụy, tôi xót xa cho chính mình bởi sự hi sinh cao cả của đấng sinh thành của mình. Cha mẹ chưa từng đi chơi xa, chỉ biết mảnh vườn, thửa ruộng nhưng cho tôi ăn học hiểu biết với bạn bè, tình cảm ấy thiêng liêng và quý giá vô cùng. Có những bữa ăn tiệc ở trường tôi thầm hỏi: "Cha mẹ mình chưa từng ăn những món này", lòng thấy mình bất hiếu, mình chưa lo được gì cho người cưu mang sinh thành. Tôi còn nhớ bữa tôi mua về nhà 1 kg măng cụt, cha mẹ hỏi: "Trái này ăn làm sao?". Tôi đau đớn như ai đang xé ruột gan mình, cha mẹ có tiền luôn để dành cho con ăn học, sống đến hai thứ tóc mà thiệt thòi mọi thứ. "Cha mẹ à, con cảm ơn cha mẹ ban cho con có mọi thứ, cho con cái chữ, cái nghề nuôi sống mình, con xin lỗi vì con trẻ còn nhiều giây phút nông nổi cãi lời cha mẹ".

Tình cảm cao đẹp, hi sinh, luôn che chở mình chỉ có thể là cha và mẹ. Cho đi và không mong nhận đền đáp, tình thương vô điều kiện mà chỉ khi chúng ta ở cương vị làm cha làm mẹ chúng ta mới hiểu thấu. Những người làm con đừng để hối hận vì thái độ của mình làm tổn thương trái tim dạt dào của cha mẹ.

Tiếng gà gáy sáng ò ó o vang khắp làng, cha loay hoay dọn cơm ăn để kịp ra đồng sớm, chứ nắng lên mà phải cuốc đất thì mệt, đổ bệnh lại khổ. Cha ăn vội bát cơm, mẹ lụi hụi mang bình nước pha trà để mang theo. Mẹ mặc vội cái áo dài tay, quấn cái khăn rằn, với tay lấy cái nón lá rồi cùng cha ra đồng, dáng cha mẹ khuất dần sau lũy tre nhưng vẫn nghe giọng nói rôm rả: "Lúa mình năm nay trúng mùa, con An năm nay tốt nghiệp, tôi với bà thành công rồi bà nó".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Ẩn ([Tên nguồn])
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN