Thuê người chặt tay chân: Vụ việc chưa từng có ở Việt Nam

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, chặt chân, chặt tay để hưởng bảo hiểm là hành vi mới trong trục lợi bảo hiểm lần đầu xảy ra ở Việt Nam.

Thuê người chặt tay chân: Vụ việc chưa từng có ở Việt Nam - 1

Hiện trường vụ việc. (Ảnh: Xuân Lực).

Dư luận đang rất sốc về hành vi của chị Lý Thị N. (SN 1986, Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt tay, chân của mình, nhằm thanh toán 3,5 tỷ đồng (quyền lợi của 3 gói bảo hiểm nhân thọ) sau đó tạo hiện trường giả “bị tai nạn tàu hỏa” nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Hành vi trục lợi bảo hiểm mới

Nói về sự việc này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, đây là hành vi mới trong trục lợi bảo hiểm lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, những hành vi tương tự, thậm chí tự tử để hưởng bảo hiểm thì không hiếm và đang gia tăng.

“Bản thân tôi cũng thấy rùng mình vì không ai dám tin một phụ nữ trẻ mới 30 tuổi dám tự thuê người chặt chân, chặt tay mình nhằm tạo vụ tai nạn giả để đòi thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ”, ông Lộc bày tỏ.

Theo ông Lộc, đây là vụ việc tinh vi, phức tạp, có tính tổ chức, số tiền bảo hiểm mà đối tượng dự định chiếm đoạt tương đối lớn. So với các hành vi trục lợi bảo hiểm (cả bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ) đã xảy ra và được khám phá tại nước ta trước đó thì hành vi của người phụ nữ kể trên là hành vi mới, lần đầu xuất hiện.

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phân tích, từ khi thị trường bảo hiểm phát triển tại Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay (hiện đã có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khoảng 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên cả nước). Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có ý thức chống trục lợi bảo hiểm thể hiện qua việc xây dựng quy trình khai thác bảo hiểm, giám định, bồi thường, quy trình kiểm soát nội bộ rất chặt chẽ.

Vì thế, khi khách hàng tham gia bảo hiểm xảy ra sự cố, tai nạn, nộp hồ sơ yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chuyển qua bộ phận pháp chế xem xét, giám định, tự điều tra và nếu có dấu hiệu nghi vấn sẽ chuyển cơ quan điều tra đề nghị phối hợp làm rõ.

Tuy vậy, theo quy định pháp luật,  từ khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm (liên quan đến tính mạng, sức khỏe), trong vòng 15 ngày doanh nghiệp bảo hiểm phải giải quyết. Nếu có dấu hiệu nghi vấn về nguyên nhân tai nạn, mức độ thiệt hại, hóa đơn chứng từ để nói lên mức độ thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đi điều tra. Thời gian điều tra trong vòng 30 ngày, cuối cùng là trả lời cho khách hàng. Nếu điều tra không ra kết quả hoặc bằng chứng “yếu” thì đều phải giải quyết bồi thường cho khách hàng theo đúng quy định của luật. Vì kẽ hở này, nhiều kẻ đã lợi dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm.

“Động cơ của một số đối tượng mua bảo hiểm để trục lợi là rất cao vì lợi nhuận từ khoản trục lợi này nếu thành công rất lớn. Họ bỏ vốn ra 1 thì có thể thu lợi đến hàng 100, hàng 1.000 lần”, ông Lộc nói.

Cần xử nghiêm

Phân tích về các “thủ đoạn” trục lợi bảo hiểm, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, để trục lợi bảo hiểm, có trường hợp nhờ người ký khống giấy tờ, lập hồ sơ tham gia bảo hiểm khống; có trường hợp sau khi phát hiện bản thân mắc ung thư hay HIV/AIDS rồi sau đó mới đi mua bảo hiểm của 3, 4 DN bảo hiểm khác nhau nhằm khi chết đi (thậm chí sau đó tự tử) để người nhà sẽ được thụ hưởng bảo hiểm; có người đã chết trước thời điểm tham gia bảo hiểm nhưng người thân làm giấy chứng tử gian lận thời gian chết để đòi thụ hưởng bảo hiểm…

Bên cạnh đó, không loại trừ tình trạng chính nhân viên của các công ty bảo hiểm lợi dụng chức vụ, quyền hạn bản thân để chấp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm của đối tượng nhằm hưởng hoa hồng, ăn chia lợi nhuận.

Ông Phùng Quang Lộc cho biết, gian lận bảo hiểm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do đó cần phải được điều chỉnh bằng luật hình sự. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ cần phải sớm có chế tài nghiêm khắc, đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả lớn. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ, động viên nhân chứng hợp tác giúp đỡ cơ quan công an để điều tra xác minh làm rõ.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế cần phải tăng cường phát hiện, điều tra, khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm cũng như tăng cường công tác tuyên truyền cho quần chúng Nhân dân để nâng cao hiểu biết về tác hại của trục lợi bảo hiểm.

Đặc biệt, cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Bảo hiểm phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong việc điều tra, khởi tố những hành vi trục lợi bảo hiểm; Kiến nghị với ngành y tế trong việc kiểm soát chặt chẽ thông tin người đến khám, chữa bệnh và quy trình quản lý hồ sơ bệnh án….

Theo thống kê của Bộ Tài chính trong khoảng 5 năm từ năm 2007 đến năm 2012, số tiền trục lợi bảo hiểm của 5 doanh nghiệp tốp đầu của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khá lớn. Theo đó ở khu vực bảo hiểm phi nhân thọ, số tiền trục lợi lên tới 215,3 tỷ đồng. Ở khu vực bảo hiểm nhân thọ, trong vòng 5 năm có 530 tỷ đồng trục lợi bị phát hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thuê người chặt tay chân để hưởng tiền bảo hiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN