Tê tái xóm HIV ở Sài Thành

Cách trung tâm TP.HCM chỉ hơn 20km, xóm "nhà cỏ" HIV ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) hiện lên trước mắt tôi như một bức tranh nhem nhuốc vẽ dở nhưng mang nét buồn tê tái đến não lòng.

Thấp thoáng sau đám cỏ lau cao ngập đầu người, nằm hun hút sau con đường đất nhỏ, vài ba căn lều lụp xụp, mái lớn mái nhỏ, lá lợp tạm bợ, 26 con người bệnh tật vẫn ngày ngày chia nhau khoảng không gian sống.

Điểm đến cho những kiếp khốn cùng

Qua rồi cái thời đầu trộm đuôi cướp, nghiện hút, cần sa, tiêm chích đập đá. Hết rồi cái thời "gái thờn bơn" bán thân kiếm sống, vật vờ nơi phố vẫy. "Án tử" HIV/AIDS giáng xuống đầu, đó là lúc những con người này mới thực sự nhận ra giá trị sống, còn lại được gì sau tất cả? Gia đình ruồng rẫy, xã hội coi khinh, bản thân ốm yếu không công ăn việc làm, không điểm tựa dựa dẫm. Mò mẫm mãi giữa vực sâu tăm tối, họ đã tìm đến xóm nhà cỏ heo hút (nằm tại Ấp 4B, xã Bình Mỹ, Củ Chi, TP.HCM), ước mong tìm tình người hoặc chí ít tìm được người dám chấp nhận họ. Số khác là những người già lão, bệnh tật, ung thư giai đoạn cuối... tìm đến đây sống nốt khoảng thời gian tối tăm còn lại của cuộc đời.

Theo chân anh Võ Văn Thông (Công an khu vực Ấp 4B) tới "xóm nhà cỏ", không khí tăm tối bủa vây khắp chốn khiến chúng tôi lạnh gáy. Xóm cách đường lộ khoảng 300 mét, đi qua con đường nhỏ quanh co, ngoằn ngoèo, hai bên phủ đầy cây cỏ dại. Hoang vắng, u tịch! Trời đã chập tối, tôi thấy vài ánh đèn leo lét từ xa, hắt ra từ khu lều xóm nhà cỏ. Đêm Giáng sinh! Vài dây đèn trang trí nhấp nháy được chăng từ khu nhà niệm, cũng có dây kim tuyến và vài quả chuông nhỏ, gió lướt qua kêu leng keng.

Tê tái xóm HIV ở Sài Thành - 1

Giáng sinh nghèo cũng có dây kim tuyến, chuông kêu leng keng đến đắng lòng. Ảnh T.G

Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Đình Huệ (còn gọi là Thầy Ngọc, quản lý chung ở xóm). Gần chục năm tự nguyện đến đây chăm sóc và quản lý cả khu xóm nghèo bệnh tật này, chứng kiến bao kẻ đến người đi, tự tay làm lễ khâm liệm cho bao người xấu số, ông chưa khi nào thôi day dứt về những số phận trẻ tuổi trót một thời lầm lỡ mà lãnh "án tử", vài phận người cô độc éo le hay những bóng già neo đơn, ốm dặt dẹo chờ chết trong năm tháng cuối đời.

Kể về lịch sử của xóm này, ông Ngọc cho biết: "Đây vốn là mảnh đất mà một người phụ nữ tên Tuyển (chủ doanh nghiệp ở P.13, Q.Gò Vấp) mua để cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Ban đầu, phần lớn người tìm đến là gái mại dâm hết thời bệnh tật, bị nhiễm HIV/AIDS, sau dần thì còn thêm nhiều tay giang hồ, nghiện ngập có H, những người già, mồ côi khuyết tật, ung thư…". "Ở đây, người bệnh cũng như không bệnh, đàn ông cũng như đàn bà được đối xử bình đẳng và thương nhau như gia đình. Người khỏe thì chăm cho người bệnh, tự phân chia nhau mà dọn dẹp, nấu nướng", ông Ngọc chia sẻ thêm.

3 căn nhà, mà chính xác là những túp lều lá dừa, che trước đùm sau, được phân chia thành các khu vực sống khác nhau. Phía cho đàn bà con gái, phía cho cánh đàn ông và góc khác thì cho người già bệnh tật. Mỗi trường hợp mỗi số phận, kẻ thì ngơ ngác buồn mỗi khi nhớ về thời quá khứ ngu muội, bồng bột. Kẻ thì lặng thinh một góc đắm mình trong những suy nghĩ rất riêng. Bước vào căn lều nữ phụ sống, Nam (nhiễm HIV, quê TP.HCM) - chàng thanh niên 22 tuổi vui vẻ: "Giới thiệu với chị, đây là chị em!". Kia là em út em, 17 tuổi, nhà trước ở Q.3, có H 3 năm, bị bố mẹ bỏ. Còn kia, kia là vợ em". Theo hướng tay chỉ liến thoắng, tôi lướt qua cậu trai 17 tuổi cao lớn nhưng mình mẩy đã đầy những nốt tróc vảy vì căn bệnh HIV, tóc để dài che một bên mắt, cúi xuống trông tội nghiệp. Nhìn tiếp qua người mà Nam giới thiệu là "vợ", đó là một chị khoảng chừng 30 nhưng ốm nhắt, mắt hơi liêng liếng, ngờ ngệch nhìn mãi vào không trung.

Tê tái xóm HIV ở Sài Thành - 2

Bà Thanh bị thấp khớp không đi nổi, bị con cái bỏ mặc đến sống ở đây đã 5 năm. Ảnh T.G

Nói một hồi về những người sống nơi đây, nhưng khi kể về bản thân mình, Nam e dè hẳn. Nam chuyển vào nhà cỏ từ tháng 8/2013 sau khi phát hiện bản thân nhiễm HIV. Tuổi thơ vốn đã chẳng êm đềm, sớm phải chứng kiến cảnh cha mẹ đấu đá rồi chia tay, Nam chuyển về sống cùng cha và mẹ kế. Chán cảnh gia đình, bố thì chẳng quan tâm, cậu lao theo những chuyến "bay đêm" mải miết, hùa theo đám bạn chơi bời, đắm mình trong "cái chết trắng" rồi xăm trổ khắp mình. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV, tim cậu như chết đứng. Hơn 20 tuổi đầu, Nam đã rước cho mình "án tử" nghiệt ngã!

Những nụ cười đắng ngắt

Trời chuyển tối, cũng vừa lúc anh Dương (27 tuổi, quê Hà Nam) một thành viên của xóm nhà cỏ chia tay thầy Ngọc và anh em để đoàn tụ cùng gia đình. Chẳng may sa đọa vào con đường nghiện ngập mà vợ suýt bỏ, chán nản nên Dương tìm đến đây để cai nghiện và có khoảng thời gian tự nhìn lại mình. Sau hơn 3 tuần với nhiều nỗ lực dứt cơn, sức khỏe đã dần hồi phục. Xách chiếc ba lô nhỏ nhẹ tênh, Dương lễ phép cúi chào người thầy đã giúp mình trong lúc khốn cùng nhất của cuộc đời. "Dù đến đây không lâu nhưng tình cảm của những người nơi đây đầm ấm lắm. Bản thân tôi may mắn không nhiễm HIV, nhưng ai có thể biết trước được, nếu cứ tiếp tục dùng ma túy tôi sẽ sớm nhiễm căn bệnh khắc nghiệt này lúc nào", Dương kể. Tiếp lời chàng trai trẻ, ông Ngọc từ tốn: "Mỗi ngày chỉ mong có ai đó được đoàn tụ cùng gia đình. Nơi xa lạ này dù có thân thiết đến đâu thì sao bằng được mái ấm thực sự. Chỉ có những kiếp khốn cùng lắm mới phải tha hương, mạt vận đến xóm này".

Anh Võ Văn Thông (Công an khu vực Ấp 4B, xã Bình Mỹ): "Đây là một xóm tình thương đã tồn tại nhiều năm, chủ đất là hiện đang ở Gò Vấp. Xóm tình thương này họ sống theo kiểu tập thể cộng sinh, người khỏe nuôi người yếu vào những lúc cuối đời, mang ý nghĩa tích cực giúp ích cho xã hội. Tuy nhiên, xét thấy đây cũng là địa bàn phức tạp, nhiều đối tượng cư trú thất thường nên địa phương có thường xuyên đến kiểm tra, khoảng 2 tuần một lần, cũng là thăm hỏi động viên những bệnh nhân đang sống ở đó".

Qua 10 năm hoạt động, nơi đây đã tiếp nhận hơn 300 lượt người mắc phải HIV/AIDS, ung thư, tai biến... không ai cưu mang. Đã có hơn 100 người đã ra đi, họ đều mỉm cười trước khi nhắm mắt - nụ cười đắng ngắt nhưng cũng là chút an ủi cuối cùng cho một mảnh đời tàn. Những thân xác gầy góc, tróc lở, khi sống thì bệnh tật hạnh hạ đau đớn, khi chết đi họ tin rằng họ sẽ được thanh thản vì đã biết quay đầu sám hối. Mỗi khi một số phận trở về với Chúa, chính ông Ngọc cùng anh em trong xóm là người làm lễ khâm liệm. Họ được tắm rửa thay quần áo mới, được làm lễ trước Chúa ở nhà nguyện của xóm sau đó mang hỏa thiêu ở dưới Dĩ An (Bình Dương). Trong đêm tối mịt mờ, lẫn trong tiếng côn trùng kêu ộp oạp, tiếng muỗi đen bay vo ve nơi mảnh đất nửa quê nửa tỉnh, đường lúc nào cũng bụi mù như chính số phận cắc cớ của nhiều mảnh đời nơi đây, nhóm vài người âm thầm mang người chết đi an táng chỉ vì ban ngày sợ làm phiền người dân quanh đó, hơn nữa "Nhiều người sợ người chết vì AIDS nên tránh". Đêm vắng lạnh, lòng người kỳ thị còn lạnh hơn nhiều.

Đã có hơn 40 hũ cốt được đặt lại nhà nguyện mà chưa được người thân nhận về. Phần vì có những mảnh đời cô quạnh, số khác thì cha mẹ bỏ rơi, gia đình ruồng rẫy nên dù đã trở thành cát bụi thì cũng chẳng hề đoái hoài. Họ được ở lại nơi đây, "sống" bên những người cảm thông cùng họ. Vào mỗi chủ nhật hàng tuần, xóm nhà cỏ đều có một vị linh mục qua cầu kinh, giảng đạo cho những người bệnh tật khốn cùng này. Có lẽ, khi đã ở vào lúc "gần đất xa trời" niềm ham sống của con người ta mới mãnh liệt, mới thật sự biết quý trọng sức khỏe và tính mạng.

Ôm người nhiễm HIV không lây bệnh

Theo các chuyên gia thuộc Ban phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, nhiều người có những ngộ nhận không đáng có với những người nhiễm HIV. Sự thật là HIV không thể bị lây nhiễm khi ôm ai đó, dùng chung khăn mặt hoặc uống nước chung cốc (chỉ cần đảm bảo vùng da tiếp xúc của bạn không có vết thương). Căn bệnh này chỉ có thể lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm, hoặc xăm hình từ dao không tiệt trùng… Bất cứ ai cũng có thể nhiễm HIV, triệu chứng ban đầu có thể là sốt, mệt mỏi, đau họng. Nhiều người bị nhiễm HIV có thể sống trong nhiều thập kỷ và có tuổi thọ như những người bình thường khác, tuy vậy một số người có thể phát triển thành AIDS chỉ trong vài tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Nhàn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN