Chế tạo tàu ngầm xuất ngoại: Chỉ với 4.000 USD

Sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Yết Kiêu 1, ông Phan Bội Trân lại ấp ủ một dự định lớn hơn, đó là nghiên cứu những tổ hợp vũ khí để trang bị cho hệ thống tàu ngầm của mình.

Tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu

Sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Yết Kiêu 1, ông Phan Bội Trân lại tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu, cải tiến những kỹ năng mới cho những chiếc tàu ngầm phiên bản sau này.

Chia sẻ với PV, ông Trân cho rằng, hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ tàu ngầm phải là một loại vũ khí quân sự, đó là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. “Chiếc tàu ngầm là phương tiện dân sự hay quân sự tùy thuộc hoàn toàn vào mục đích của người sử dụng. Hiện nay, trên thế giới, nhiều nơi người ta vẫn dùng tàu ngầm cho mục đích tham quan, du lịch, sửa chữa cáp ngầm dưới biển hay cứu hộ cứu nạn…. Nhưng khi gắn vào nó những ống phóng ngư lôi hay khẩu đại bác, nó lại trở thành khí tài quân sự”.

Hiện tại, ông Trân đang ấp ủ một dự định lớn hơn, đó là nghiên cứu những tổ hợp vũ khí, đặc biệt là ngư lôi để trang bị cho tàu ngầm mà mình chế tạo. “Do là tàu ngầm mini nên những vũ khí trang bị cũng phải phù hợp với kích cỡ của tàu. Hơn nữa, vì là tàu trong nước sản xuất nên nó sẽ mang những loại vũ khí đậm chất Việt Nam, nhưng không vì thế mà sức mạnh của tàu ngầm bị suy giảm. Hiện tại, tôi đã có lời giải cho việc biến những thứ tưởng chừng như là đồ chơi này trở thành một tổ hợp khí tài quân sự, sẵn sàng trở thành niềm ác mộng đối với bất cứ kẻ thù nào”.

Chế tạo tàu ngầm xuất ngoại: Chỉ với 4.000 USD - 1

Ông Phan Bội Trân bên chiếc tàu ngầm Yết Kiêu 1

Ông cho biết thêm, ngày trước, muốn chế tạo thành công chiếc Yết Kiêu 1 phải mất gần 1 năm trời. Nhưng đến thời điểm hiện tại, do đã có sẵn khuôn và trang thiết bị, máy móc nên chỉ cần khoảng 4 ngày là đã có thể sản xuất ra một chiếc tàu ngầm dân sự với giá tầm 4.000 đến 5.000 USD. Còn để chế tạo một chiếc tàu ngầm quân sự, giống tàu Yết Kiêu 1, thì tốn khoảng 200.000 USD (tương đương 4 tỷ đồng) vì phải trang bị đầy đủ máy móc, khí tài. Nếu so với việc mua tàu ngầm từ nước ngoài, đây thực sự là phương án tiết kiệm hơn nhiều.

“Tàu ngầm của chúng ta có thể không to lớn, tinh vi và hiện đại bằng các tàu ngầm của các nước như Nga, Mỹ. Nhưng bù lại, chúng ta có lợi thế về sự cơ động và số lượng. Cứ thử nghĩ xem, khi tác chiến trên biển, thay vì chỉ có thể điều vài ba chiếc tàu ngầm đi làm nhiệm vụ, chúng ta có hàng trăm chiếc sẵn sàng bao vây, chặn đánh kẻ thù, đó thực sự là một lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được”.

Bên cạnh việc chế tạo tàu ngầm, ông Trân cũng tiết lộ, mình đang nghiên cứu một mô hình trạm tiếp vận trên biển, giúp các tàu của ta có thể hoạt động cách xa bờ biển hàng ngàn ki lô mét mà không gặp khó khăn, trở ngại gì về việc thiếu nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm, thực phẩm….

Hiện tại, những nghiên cứu của ông đã được làm thành dự án khoa học để trình lên Bộ Quốc phòng và chờ đợi sự phản hồi. “Nếu nhà nước còn nghi ngờ tính khả thi của nó, tôi sẽ tình nguyện làm mẫu trước, hoàn toàn bằng tiền túi mà không cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu thành công, Bộ Quốc phòng sẽ không cần xét duyệt đề án mà có thể sử dụng ngay được công nghệ này. Với tôi, làm được một điều gì đó giúp ích cho Tổ quốc là một niềm tự hào chứ không đơn thuần chỉ vì lợi ích của cá nhân”.

“Yết Kiêu 1 gần sát với phiên bản tàu ngầm thực thụ”

Là một trong những người đầu tiên ủng hộ kế hoạch chế tạo tàu ngầm của ông Phan Bội Trân, ông Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô đốc, Chủ tịch hội Khoa học – Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP.HCM đã có những chia sẻ về dự án tưởng chừng như “ảo tưởng” này.

“Ngay từ lúc đầu nghe anh Trân nói về dự án sản xuất tàu ngầm, tôi đã thấy hào hứng lắm. Với nhiều người thì nghe có vẻ xa vời, nhưng với dân làm nghiên cứu như chúng tôi, không có gì là không thể. Thế nên tôi có động viên anh Trân cứ mạnh dạn làm, có khó khăn gì thì cứ nói, tôi sẽ giúp được trong khả năng cho phép”.

Chế tạo tàu ngầm xuất ngoại: Chỉ với 4.000 USD - 2

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 được thử nghiệm thành công tại trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân TP.HCM.

Theo ông Lâm, so với tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có sự hoàn thiện và gần hơn với hiện thực của tàu ngầm thực thụ khi được điều khiển bởi chính người lái bên trong. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, Yết Kiêu 1 vẫn còn 2 điểm yếu lớn cần phải khắc phục, đầu tiên là tiềm vọng kính. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào sản xuất được loại tiềm vọng kính này, trong khi nước ngoài, họ gần như không bán thiết bị này bao giờ. Đơn giản bởi tiềm vọng kính như là con mắt của chiếc tàu ngầm, tiềm vọng kính tốt thì chiếc tàu ngầm có khả năng quan sát xa, rộng, thuận lợi cho việc do thám thính tình hình cũng như khả năng tác chiến.

Một hạn chế nữa của Yết Kiêu 1 đó là hệ thống thông tin liên lạc. Đối với tàu ngầm, muốn thông tin qua lại phải sử dụng những thiết bị thu phát có bước sóng cực dài. Hiện trên thế giới, chỉ có Nga và Mỹ là có khả năng chế tạo ra loại phương tiện phát sóng này. Do đó, muốn trang bị cho hệ thống tàu ngầm của ông Trân là điều không phải dễ.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết, những thiết bị trên dù Việt Nam chưa sản xuất được, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu từ nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất được tại Việt Nam.

“Hiện nay, tàu ngầm mini rất có ích cho dân sự lẫn quốc phòng. Chúng ta đã có được người đi đầu, chiếc tàu ngầm do ông Trân chế tạo đã rất gần với một chiếc tàu ngầm thực thụ. Nhưng muốn để cho nó hoàn thiện, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các đơn vị quản lý cần phải ủng hộ, tạo điều kiện thêm nữa để cho ông Trân thực hiện được những ý tưởng của mình”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.

__________________________

Muốn tàu ngầm chạy nhanh hay chậm, người điều khiển chỉ cần nhấn hay giảm ga ở động cơ. Bộ phận bánh lái tương tự như của xe đạp hay xe máy, có thể giúp rẽ trái, phải một cách dễ dàng.

Đón đọc kỳ 4: Tàu ngầm xuất ngoại: Điều khiển dễ hơn đi… xe đạp vào 19h ngày 3/8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiện An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN