Bao giờ HN bắt đầu hạn chế xe buýt để giảm ùn tắc?

Bắt đầu từ tháng 11.2015, một số tuyến xe buýt chạy qua tuyến đường Nguyễn Trãi, Cầu Giấy (Hà Nội) vào giờ cao điểm sẽ bị hạn chế nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đang nghiên cứu phương án giảm một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú, hiện có 9 tuyến xe buýt chạy. Dự kiến sẽ điều chỉnh tần suất của 5 tuyến (02; 21; 27; 22; 39) đi qua trục đường Nguyễn Trãi.

Tuyến đường Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy có 12 tuyến xe buýt chạy. Theo đó, điều chỉnh 5 tuyến (16A;16B; 27; 34; 49) đi qua trục Xuân Thủy – Cầu Giấy. Xe buýt chạy qua các tuyến này sẽ lưu thông qua đường Nguyễn Phong Sắc- Trần Thái Tông.

“Chúng tôi dự kiến đến đầu tháng 11.2015 sẽ bắt đầu hạn chế xe buýt chạy qua đường có rào chắn (Nguyễn Trãi, Cầu Giấy) vào giờ cao điểm. Việc hạn chế xe buýt, không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đi lại của người dân”, ông Hải nói.

Bao giờ HN bắt đầu hạn chế xe buýt để giảm ùn tắc? - 1

Bắt đầu từ tháng 11, một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm sẽ bị hạn chế nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Hải, hiện nay trên đường Nguyễn Trãi, xe buýt đang vận chuyển khoảng 70 lượt xe/h; đường Cầu Giấy xe buýt vận chuyển khoảng 60 lượt xe/h. Khi điều chỉnh, xe buýt chạy qua đường Nguyễn Trãi sẽ giảm xuống còn 30 lượt xe/h; đường Cầu Giấy giảm còn lượt 30xe/h.

“Nếu như trước đây người dân mất khoảng 10 phút để chờ xe buýt trên đường Nguyễn Trãi thì khi điều chỉnh hạn chế xe buýt, người dân sẽ phải chờ khoảng 15 phút. Như vậy, việc người dân chờ thêm vài phút không ảnh hưởng nhiều, nhu cầu đi lại của người dân trên các tuyến đường này vẫn đảm bảo”, ông Hải nói.

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhu cầu đi lại bằng xe con tương đối thấp, trên 10%. Do vậy, trong trường hợp ùn ắc giao thông  gia tăng, có thể nghiên cứu phương án hạn chế xe ô tô đi vào giờ cao điểm. Thay vào đó, sẽ phân luồng ô tô đi đường vòng, qua các tuyến đường không ùn tắc.

Trước đó, trong buổi họp với Sở GTVT Hà Nội về giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Tp. Hà Nội) cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 dự án, trong đó 23 điểm rào chắn có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, tuyến đường Cát Linh - Hà Đông; tuyến đường Nhổn - Ga Hà Nội hay xảy ra ùn tắc giao thông.

Ông Thắng cho rằng, việc tổ chức giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Sở GTVT cần tính toán, phân tuyến để các phương tiện ô tô đi đường vòng, nhưng bù lại giao thông đỡ ùn ứ. Vào giờ cao điểm, chỉ cần một chiếc xe buýt đi vào đường Cầu Giấy (nơi có công trình đường sắt trên cao đang thi công) sẽ gây ra ùn tắc. Tuy nhiên, nếu Sở GTVT nghiên cứu, phân tuyến xe buýt chạy qua tuyến đường khác thì lưu lượng phương tiện sẽ giảm, người dân đi lại thuận lợi hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN