Xe quá tải buộc phải quay đầu trên cao tốc

Việc lắp cân tự động trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đã phần nào hạn chế tình trạng xe quá tải lưu thông. Tuy nhiên việc xử xe quá tải đang nảy sinh một số vấn đề, cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng.

4 tháng phát hiện hơn 3.000 xe quá tải

Chiếc xe tải biển số 60C-028... chở hàng đi vào cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây hướng từ TP HCM về QL51.

Khi xe đến gần trạm thu phí Long Phước, nhận thấy chiếc xe chở hàng khá đầy, nhân viên trạm thu phí hướng dẫn xe đi vào làn thu phí số 1 nơi có đặt cân kiểm soát tải trọng tự động. Lập tức thông tin biển số, chiều dài, số trục, vận tốc, tải trọng của xe được hiển thị trên màn hình máy tính. Tải trọng cho phép của xe và hàng là 16 tấn nhưng trọng lượng toàn bộ chiếc xe đang chở hơn 25 tấn. Do quá tải trên 15%, tài xế buộc phải quay đầu xe về TPHCM và rời khỏi cao tốc.

Xe quá tải buộc phải quay đầu trên cao tốc - 1

Các thông số xe hiển thị trên màn hình cho thấy chiếc xe này quá tải đến 26%

Lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết cân kiểm soát tải trọng được lắp đặt tại trạm thu phí Long Phước và Dầu Giây và hoạt động từ 20.7.2015. Mỗi trạm có một làn xe có lắp cân tự động.

Hệ thống cân được cấu tạo bằng các thanh thạch anh cảm ứng gắn sát mặt đường, sử dụng công nghệ của Thụy Sĩ. Khi phát hiện xe vào cao tốc có dấu hiệu quá tải, nhân viên sẽ hướng dẫn đi vào làn có gắn cân để kiểm soát tải trọng. Chiếc xe chỉ lưu thông với tốc độ bình thường mà không cần phải dừng lại. Những xe nào chở quá tải trên 15% sẽ bị yêu cầu quay ngược trở lại, không được phép lưu thông trên đường cao tốc.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VEC E cho biết, sau 4 tháng kiểm soát tải trọng đã phát hiện trên 3.000 phương tiện chở hàng quá tải. Trong đó có 500 phương tiện bị buộc phải quay đầu vì quá tải trên 15%. Những xe quá tải dưới 15% hiện mới chỉ bị nhắc nhở.

Cần phối hợp xử phạt xe quá tải trên cao tốc

Việc lắp đặt cân kiểm soát tải trọng và động thái kiên quyết từ chối cho xe quá tải lưu thông trên đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đã khiến nhiều chủ hàng, chủ xe thay đổi cách thức vận tải. Rất nhiều xe đầu kéo lấy hàng từ cảng Cát Lái đi về Đồng Nai chỉ chở một container thay vì chở quá tải với hai container như trước.  

Xe quá tải buộc phải quay đầu trên cao tốc - 2

1,2/ Nhân viên trạm thu phí hướng dẫn tài xế lưu thông vào làn đường có gắn cân kiểm soát tải trọng

Trong khi đó ở cao tốc TP HCM – Trung Lương, do chưa thể triển khai thiết bị cân nên xe quá tải vẫn lưu thông thường xuyên. Trong những tháng cuối năm, hàng đoàn xe chở gạo từ Tiền Giang về TPHCM có dấu hiệu quá tải đều lưu thông vào cao tốc này thay vì đi QL1 (nơi có các trạm kiểm soát tải trọng của các địa phương).

Mặc dù theo lãnh đạo VEC E, việc kiểm soát tải trọng trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây đang tiến triển tốt nhưng cũng gặp một số khó khăn. Do mới lắp được cân tự động tại một làn nên việc yêu cầu xe có dấu hiệu quá tải chuyển sang làn có cân thường xuyên gặp sự chống đối của lái xe. Có lái xe gây gổ, chửi bới và không tuân thủ hướng dẫn.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với xe quá tải không thuộc trách nhiệm của VEC E nên khi phát hiện xe quá tải, Công ty chỉ có thể yêu cầu xe quay đầu và từ chối phục vụ phương tiện lưu thông trên tuyến, điều này chưa có tính răn đe đối với các chủ phương tiện/tài xế điều khiển xe quá tải.

Để đảm bảo kết cấu hạ tầng đường cao tốc, xử lý triệt để xe quá tải lưu thông, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VEC E, cho rằng cần có sự phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.

“Bên cạnh những nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị vận hành khai thác, đòi hỏi sự vào cuộc của các đơn vị chức năng, đặc biệt là Cục Cảnh sát giao thông (C67) trong việc bố trí lực lượng 24/24h phối hợp cùng VEC E để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây”, bà Phương kiến nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Tư ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN