Xe "đắp chiếu" vẫn phải nộp phí đường

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp để xe "đắp chiếu". Vậy mà họ vẫn sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Trước quy định thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện từ 1/1/2013, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng như chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý và nên xem xét lại phương pháp thu.

Riêng xe máy, các chuyên gia cho rằng sẽ không khả thi bởi đến thời điểm này chưa có quy định, chế tài cụ thể nào. Còn ô tô, thu phí theo đầu xe và kỳ đăng kiểm, sẽ thực hiện được nhưng gây một số khó khăn nhất định cho doanh nghiệp vận tải.

Ai là người chịu thiệt?

Ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) phân tích, người cuối cùng phải chịu ảnh hưởng sẽ lại là khách hàng, người dân.

Theo ông Thanh, có những doanh nghiệp đã vay nợ ngân hàng để mua phương tiện, chịu nhiều loại thuế. Giờ chịu thêm mức phí bảo trì đường bộ cao, họ sẽ phải oằn mình gánh nợ và trả lãi. Đã vậy nhiều xe không chạy cũng bị thu phí. Cuối cùng, các doanh nghiệp lại phải tăng cước vận tải lên. Đơn cử, đối với xe khách, doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé. Người thiệt thòi chung quy lại là hành khách đi xe.

Theo giám đốc một doanh nghiệp vận tải xe khách, thu phí bảo trì đường bộ là việc làm đúng. Tuy nhiên, cần xem xét giảm phí cho một số loại xe kinh doanh dịch vụ.

Xe "đắp chiếu" vẫn phải nộp phí đường - 1

Xe chạy nhiều hay ít, thậm chí không ra đường vẫn sẽ phải nộp phí bảo trì đường bộ

"Bởi chúng tôi đã chịu đủ các thứ thuế. Đặc biệt là thuế kinh doanh. Nay lại phí đường bộ. Phí chồng phí khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi." - Vị giám đốc này nói.

Ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc công ty Thiên Trường cho biết, doanh nghiệp ông có khoảng 40 xe chạy từ Hà Nội đi các tuyến như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Theo ông này, được biết tới đây, nhiều trạm thu phí đường bộ sẽ được bỏ, nhưng các trạm thu phí BOT vẫn duy trì. Những xe đi tuyến có các loại trạm này sẽ phải chịu phí đường chồng nhau.

"Chúng tôi là doanh nghiệp, tất nhiên làm ăn là phải có lãi. Nếu phải đóng nhiều loại chi phí, chúng tôi lại phải tăng giá vé. Và người chịu sẽ là hành khách." - Ông Ngọc chia sẻ.

Thu phí thì đường phải tốt

Theo tính toán của một số người trong ngành vận tải, thu phí đường bộ theo kỳ đăng kiểm khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thiệt thòi nhưng có thể có loại phương tiện hưởng lợi. Một số xe, nếu so sánh tổng số tiền nộp qua trạm thu phí như lâu nay với mức phí theo kỳ đăng kiểm, mức mới sẽ rẻ hơn đáng kể.

Tuy nhiên theo ông Phạm Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Hoa Nam - một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hà Nội), tính tổng chung, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn sẽ chịu thiệt thòi. Đơn giản, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hiện rất nhiều doanh nghiệp để xe "đắp chiếu". Vậy mà họ vẫn phải trả khoản phí này.

Ông Tuấn Anh cho biết, công ty ông có khoảng 80 xe container. Khoảng nửa số đó đang nằm im không ra đường. Nhưng ông phải trả phí cho tất cả số xe dù chạy hay không. Tính sơ bộ, theo cách tính mới, mỗi năm sẽ phải đóng hơn 1 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ, chưa kể phí qua các trạm BOT. Thu phí theo đầu phương tiện khiến ông phải chịu khoản thiệt thòi quá lớn.

Giám đốc này nhận định, doanh nghiệp ở vào thế khó, bởi thời buổi giá cả cạnh tranh, nếu vì vậy mà tăng cước vận tải lên thì khách hàng lại không thuê xe container vận chuyển nữa và chuyển sang đường thủy, đường sắt.

Từ đó, ông Tuấn Anh cho rằng, thu phí qua đầu phương tiện không công bằng. Mà nếu thu qua xăng cũng bất hợp lý vì nhiều người sử dụng xăng nhưng không dùng cho phương tiện tham gia giao thông.

"Cứ thu phí bảo trì đường bộ qua trạm thu phí như trước, chạy đến đâu, trả đến đó, mới đảm bảo công bằng được." - Doanh nghiệp này đề xuất.

Mặt khác, ông Tuấn Anh cho rằng, thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện là đúng. Nhưng cần tính toán, đánh giá theo các loại phương tiện cũng như chất lượng đường sá. Quy định người dân nộp phí bảo trì đường bộ nhưng thực tế nhiều tuyến đường mới làm đã hỏng.

"Những đơn vị thu phí bảo trì đường bộ của doanh nghiệp, của người dân, thì họ cũng nên cam kết về chất lượng đường sá. Từ đó, xem xét, đường nào chất lượng tốt thì chúng tôi nộp phí, đường xấu thì không phải nộp." - Ông Tuấn Anh chia sẻ.

Giám đốc này còn cho rằng, cần công khai số tiền phí thu được hàng năm. Người nộp phải biết số tiền mình đóng góp được bao nhiêu. Số tiền đó được sử dụng bảo trì những con đường nào. Như vậy mới chứng tỏ số tiền người dân nộp được sử dụng hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN