Xã có 500 cán bộ là do... thỏa thuận

Trao đổi với PV về thông tin xã Quảng Vinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) có đến 500 “cán bộ” xã, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, theo đúng quy định thì tối đa một xã còn chưa đến 50 cán bộ.

Không thể nào có đến 500 cán bộ xã

Theo ông Vũ Đăng Minh, số lượng cán bộ cấp xã phải theo tuân theo Luật cán bộ, công chức, và đặc biệt là Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

Theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí: Cấp xã loại 1: không quá 25 người; Cấp xã loại 2: không quá 23 người; Cấp xã loại 3: không quá 21 người; Số lượng cán bộ, công chức cấp xã này bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Như vậy, nếu nói theo đúng luật thì xã nào nhiều cán bộ nhất cũng chỉ có 25 người.

Xã có 500 cán bộ là do... thỏa thuận - 1

Trụ sở xã Quảng Vinh vắng tanh trong giờ làm việc

Tuy nhiên, khái niệm “cán bộ” ở đây nhiều khi được sử dụng cho cả những người hoạt động không chuyên trách, bán chuyên trách. Trong trường hợp này, nghị định 92 cũng đã quy định rõ ràng. Số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định như sau: Cấp xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người. Cấp xã loại 2 được bố trí tối đa không quá 20 người. Cấp xã loại 3 được bố trí tối đa không quá 19 người.

Như vậy, theo quy định của Nhà nước, tính con số cao nhất thì xã có số lượng cán bộ nhiều nhất cũng chưa đến 50 người. “Tôi cho rằng người ta nói một xã có đến 500 cán bộ là sai và không hiểu gì ”, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết: “Hiện Vụ Công tác Thanh niên đang thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã do Chính phủ giao cho. Chúng tôi đã đi đến các xã nghèo nhất nhì trong cả nước. Những nơi ấy người dân không hề phàn nàn gì về cán bộ. Ngược lại họ còn rất chào đón chúng tôi vì họ cần người có hiểu biết về giúp xã. Cũng có trường hợp chúng tôi không thể bố trí thêm người về được do đã có giới hạn về cán bộ. Ngay cả chương trình lớn của Chính phủ như vậy còn không được phép vượt số lượng cán bộ xã thì làm sao có thể lên đến 500 cán bộ xã được”, ông Vũ Đăng Minh cho biết.

Cần xem xét lại việc bắt dân đóng góp


Trao đổi về tình huống của những người dân xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phải “è cổ” đóng phí nuôi dưỡng một lực lượng lớn những người “được cho là cán bộ”, Vụ trưởng Vũ Đăng Minh cho biết: Chế độ của các cán bộ cấp xã đã được luật pháp quy định rõ ràng, đặc biệt là trong Nghị định 92/2009/NĐ-CP. Ngân sách nhà nước chi trả và hỗ trợ đúng, đủ chứ không thể có chuyện bắt người dân đóng phí nuôi cán bộ.

Tuy nhiên, ông Vũ Đăng Minh cũng cho rằng, việc có một số chức danh ngoài quy định của nhà nước là việc xã tự đặt ra theo yêu cầu cuộc sống và sự thỏa thuận với nhau. Ví dụ như xã mất an ninh trật tự xã hội thì xã tự thành lập Tổ tự quản. Chi phí cho Tổ này hoạt động như thế nào là do người dân trong xã tự thỏa thuận. Hoặc như xã cử ra một người đến các nhà thu tiền điện thì sẽ phải tự thỏa thuận về việc trả công cho người này.

“Cho dù bất cứ trường hợp nào thì cũng phải hiểu đúng chính sách, quy định của pháp luật, còn nếu bắt dân đóng góp trái luật thì sẽ bị xử lý”, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Chương (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN