Vụ MH370: Mỹ nghi ngờ chất lượng radar Malaysia

Chuyên gia Mỹ tỏ ra nghi ngờ chất lượng radar quân sự của Malaysia trong vụ MH370.

Ngày 13/3, các quan chức hàng không của Mỹ đang tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của radar quân sự Malaysia sau khi tư lệnh không quân nước này tuyên bố radar của họ có thể đã phát hiện MH370 chuyển hướng và bay chệch so với đường bay ban đầu hàng trăm km.

Khi được hỏi về khả năng chiếc máy bay đã quay đầu, ông Steven Wallace, cựu Giám đốc Phòng Điều tra Tai nạn thuộc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ nhận định: “Có nhiều vấn đề về chất lượng của thông tin này. Câu hỏi cần đặt ra là chất lượng của dữ liệu do radar ghi lại đến đâu?”

Sự không chắc chắn trong tuyên bố của không quân Malaysia có thể giải thích cho việc chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn vẫn được tiến hành ở cả hai vùng biển phía đông và phía tây Malaysia trong hôm thứ Tư.

Vụ MH370: Mỹ nghi ngờ chất lượng radar Malaysia - 1

Không quân Malaysia tuyên bố dò được tín hiệu máy bay lạ trên eo biển Malacca

Thậm chí cả trong tuyên bố của Tư lệnh không quân Malaysia Rodzali Daud cũng thể hiện sự không chắc chắn khi ông này nói rằng “tôi không nói đó là máy bay MH370, và chúng tôi vẫn đang xác minh.”

Loại radar mà quân đội Malaysia sử dụng để dò tìm dấu vết của chiếc MH370 sau khi bộ thu phát sóng của máy bay không còn gửi tín hiệu về đất liền không tinh vi phức tạp hơn những chiếc radar đã được sử dụng trong Thế Chiến II là mấy.

Loại radar này sẽ phát sóng radio lên bầu trời, và khi sóng này va phải một vật thể nào đó, chẳng hạn như máy bay, sóng sẽ được phản xạ lại và vật thể đó sẽ hiện lên trên màn hình radar.

Tại thời điểm bộ thu phát sóng của MH370 ngừng hoạt động, chiếc máy bay vẫn đang nằm ngoài phạm vi phủ sóng của radar quân sự Malaysia. Radar là thiết bị “nhìn thẳng” và không thể phát hiện được các vật thể ở bên kia đườn chân trời, thế nên tầm phủ sóng của radar phụ thuộc vào độ cao của máy bay và vị trí bố trí của đài radar.

Khi bộ thu phát sóng của máy bay hoạt động – quy định bắt buộc đối với máy bay dân sự - nó sẽ gửi tín hiệu về đài kiểm soát không lưu để báo cáo tốc độ, hướng, độ cao và hô hiệu của chuyến bay, trong trường hợp này là MH370.

Tuy nhiên nếu bộ thu phát sóng này bị tắt đi hoặc gặp trục trặc kỹ thuật, chiếc máy bay sẽ không còn hiển thị trên màn hình radar và hầu như “biến mất” trong mắt của các kiểm soát viên không lưu.

Mặc dù có thể sử dụng các loại radar chủ động truyền thống, song ngày nay các đài kiểm soát không lưu chủ yếu tập trung vào các tín hiệu từ bộ thu phát này, và phương tiện kiểm soát của họ là radar thụ động.

Ông Wallace nói: “Điều khác biệt quan trọng là thông tin mà 99,9% các đài kiểm soát không lưu hiện nay nhận được đều từ radar thụ động, có nghĩa là kiểm soát viên không lưu chỉ biết được những thông tin mà máy bay gửi về.”

Vụ MH370: Mỹ nghi ngờ chất lượng radar Malaysia - 2

Máy bay hoàn toàn mất tín hiệu nếu bộ thu phát sóng ngừng hoạt động

Ông nói tiếp: “Còn nếu sử dụng radar chủ động, ngay cả khi bộ thu phát trên máy bay không hoạt động, kiểm soát viên không lưu vẫn có thể nhìn thấy máy bay trên màn hình. Tuy nhiên điểm yếu của loại radar là nó có chất lượng thấp hơn và không cung cấp cho bạn nhiều dữ liệu.”

Quân đội Malaysia cho biết sau khi bộ thu phát sóng của MH370 ngừng hoạt động, radar của họ đã phát hiện được một máy bay lạ bay ở độ cao hơn 9.000 mét, độ cao chỉ dành cho máy bay chở khách và máy bay quân sự.

Ông Wallace nói: “Bay ở độ cao đó mà không có bộ thu phát sóng thì chỉ có máy bay quân sự. Không có máy bay dân sự nào được phép hoạt động ở độ cao này mà không bật bộ thu phát sóng.”

Ông Wallace, người có rất nhiều năm điều tra các vụ tai nạn máy bay, đã chỉ ra những trường hợp máy bay bay chệch hướng nổi tiếng trước đây.

Ông nói: “Năm 1983, máy bay 007 của hãng Korean Airlines đã bay chệch hướng vào không phận Liên Xô do lỗi của phi hành đoàn và đã bị bắn hạ. Tuy nhiên trong trường hợp MH370, việc bay chệch hướng có thể không phải là lỗi của phi công, bởi đây là một chiếc máy bay hiện đại có hệ thống quản lý đường bay GPS.”

Còn trong 2 vụ việc khác, máy bay của EgyptAir năm 1999 và SilkAir năm 1997, việc máy bay bay chệch hướng và đâm xuống đất là do hành động tự sát của phi công.

Ông Wallace nhận định: “Nếu bạn tin vào những thông tin do quân đội Malaysia cung cấp, thì việc MH370 thay đổi hướng bay diễn ra đồng thời với việc bộ thu phát ngừng hoạt động. Điều đó cho thấy chiếc máy bay này đã bị một ai đó chiếm quyền kiểm soát trái phép.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AFP) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN