Vụ đặt cọc để được chích vắc-xin: Vi phạm rất nghiêm trọng!

Sau khi đăng tải bài “Đặt cọc để được… chích vắc-xin”, sáng 16/12, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra Cty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn (quận Tân Bình) phát hiện nhiều sai phạm tại Cty này.

Vụ đặt cọc để được chích vắc-xin: Vi phạm rất nghiêm trọng! - 1

Sáng 16/12, trước khi đoàn Thanh tra Sở Y tế TPHCM đến, Cty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn vẫn thông báo: khách hàng đã đăng ký đặt cọc sẽ được tiêm tại các cơ sở y tế có chức năng từ ngày 5 đến 10/1/2016. Ảnh: Quốc Ngọc

Kinh doanh thuốc trái phép

Bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận sổ đăng ký của Cty có 30 người đã đặt cọc tiêm vắc-xin, tuy nhiên, đã trả lại tiền đặt cọc cho 2 trường hợp. Trước đó ngày 15/12, khi phóng viên đến tìm hiểu để đặt cọc, nhân viên cho biết chỉ trong vài ngày, đã có khoảng 1.000 người đặt cọc và Cty dự kiến có đến 2.000 liều.

Theo bác sĩ Trạng, Cty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn chỉ có giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp trong khi không có bất cứ giấy tờ nào liên quan đến y tế, kể cả giấy phép đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Vì vậy, Cty này không được quyền mua bán, cung ứng vắc-xin. “Đây là hành vi kinh doanh thuốc trái phép. Bước đầu, Đoàn thanh tra đã yêu cầu Cty phải dừng ngay việc nhận đăng ký, thu tiền, đồng thời, hoàn trả lại tiền cho tất cả những người đã đặt cọc”, bác sĩ Trạng nói và cho biết vi phạm này là “hết sức nghiệm trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, sức khỏe người dân”.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế khẳng định, không có tổ chức hay cá nhân nào được phép thuê cơ sở y tế (cả công lẫn tư) chích ngừa vắc-xin cho mình và ngược lại, không một cơ sở y tế nào được phép đi “chích thuê” cho bất kỳ ai, đơn vị nào. Theo bác sĩ Trạng nơi tiêm phải được thẩm định việc tuân thủ và bảo đảm các quy định nghiêm ngặt về điều kiện an toàn vaccine như quy trình bảo quản, vận chuyển… Hiện chưa có bệnh viện nào tại thành phố có ký kết gì với Cty này.

Hợp đồng mua bán vắc-xin không có giá trị pháp lý

Trong sáng 16/12, sau khi có thông tin từ báo chí, Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế TPHCM có báo cáo nhanh về hoạt động trái phép của Cty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn. Bác sĩ Trạng, cho biết, nguồn cung ứng vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim cho đơn vị này là Cty Dược phẩm DTH, có trụ sở tại Hà Nội. Căn cứ trên hợp đồng Cty trình cho thanh tra, phía Hà Nội sẽ bán cho công ty ở Sài Gòn 230 liều vaccine 5 trong 1 Pentaxim. “Hợp đồng như thế hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Bởi Cty này không có chức năng kinh doanh dược phẩm”, bác sĩ Trạng khẳng định.

Trao đổi với Tiền Phong tối 16/12, giám đốc Cty Dược phẩm DTH ở Hà Nội nói rằng không còn làm ở đây và đã “bán cổ phần cho đối tác” nên không nắm được họ có nhập bán vắc-xin hay không.

Như Tiền Phong đã phản ánh, những ngày qua Công ty CP Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn công khai căng băng rôn tại nhiều nơi với nội dung “điểm đăng ký dịch vụ tiêm vắc-xin  5 trong 1” và ra giá 2 triệu đồng cho 1 liều chích vaccine  5 trong 1 Pentaxim của hãng Sanofi, Pháp. Ai muốn chích cho con em mình phải đặt cọc “giữ chỗ” 500 nghìn đồng/liều. Cty cho biết, trong tháng 1/2016 sẽ có thuốc, đồng thời thông tin nơi tiến hành tiêm có thể là các Bệnh viện Phụ sản Mekong, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế, Bệnh viện An Sinh… hoặc thậm chí là Viện Pasteur TPHCM.

Trước tình hình khan hiếm vắc-xin dịch vụ, bác sĩ Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần tiêm đúng lịch và đủ liều cho trẻ.  Lịch tiêm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là các trẻ cần hoàn tất các mũi tiêm cơ bản trước 6 tháng tuổi, nghĩa là mũi đầu tiên phải tiêm trước 4 tháng tuổi. Việc tiêm trễ lịch còn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh khác như bạch hầu, uốn ván, bệnh do Hib (chiếm 88% nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mũ do vi khuẩn ở trẻ dưới 2 tuổi). Đó là các bệnh có thể thấy ngay trước mắt, còn đối với bệnh viêm gan siêu vi B, nguy cơ này lại chỉ thấy được sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Ngọc (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN