Vụ Đàn Xã Tắc: Hội Sử học lên tiếng

Ngay sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chấp nhận phương án xây cầu vượt trên không gian Đàn Xã Tắc (đường Kim Liên mới, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản này cũng được gửi tới Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Ngày 25/4, Hà Nội phát đi thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo về dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa. Ông Thảo cho rằng, việc xây dựng cầu vượt là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị hiện nay.

Bản kiến nghị khẳng định, di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Đàn Xã Tắc xác định những dấu tích của một phần kiến trúc truyền thống trong quần thể kinh đô của các triều đại Việt Nam, gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa.

Dưới lớp di tích Đàn Xã Tắc, còn có những di tích đầu tiên của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. Từ đó, Hội Sử học cho rằng, Đàn Xã Tắc là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản cần được bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia.

Hội Sử học nhận định, Hà Nội chưa quan tâm đến ý kiến tư vấn của những cơ quan và tổ chức có liên quan khi chấp nhận phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Hội Sử học cũng cho rằng, cần thiết phải có quy hoạch tổng thể và giải pháp lâu dài đối với việc phát triển đô thị quy mô ngày càng lớn và có bề dày lịch sử như Hà Nội.

Vụ Đàn Xã Tắc: Hội Sử học lên tiếng - 1

Phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc gặp phải nhiều ý kiến trái chiều

Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Sử học, lẽ ra, những thông tin trực tiếp liên quan đến dự án phải được công bố với dư luận và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nếu thông qua các cơ quan thông tin đại chúng để hướng dẫn và thu thập ý kiến thì chắc chắn chúng ta vẫn có thể tìm ra được những phương án khả thi và tối ưu hơn.

“Thực trạng giao thông của Hà Nội hiện tại là sự tích tụ quá lâu của tầm nhìn còn manh mún và ứng phó theo kiểu tình huống kéo dài nhiều năm. Làm cầu vượt trước mắt có hiệu quả nhưng nếu lạm dụng sẽ thành 'hội chứng cầu vượt', không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài”, ông Quốc bày tỏ quan điểm.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị sớm có một cuộc họp giữa các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan (trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số hội nghề nghiệp về khảo cổ học, di sản...) cùng với cơ quan lập dự án, nhằm trao đổi để tìm được sự đồng thuận về nhận thức và các giải pháp tối ưu cho mục tiêu giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc để sớm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và của nhân dân Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN