Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào?

Dù cực nhọc, cả ngày lấm lem bùn đất nhưng vợ chồng ông Nam vẫn hết lòng đam mê, ngày ngày miệt mài tạo ra những bức tượng phục vụ tết ông Công, ông Táo.

Tháng Chạp về, xóm nhỏ làm tượng ông Công, ông Táo ở xứ Huế trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Ai ai cũng bận rộn, mỗi người một việc.

Những người đàn ông khỏe mạnh nhào nặn đất sét, đổ khuôn tượng, cánh đàn bà hì hục nhóm lửa đốt lò nung, những thiếu nữ với bút vẽ tô điểm thêm cho tượng một chút sắc màu. Còn đám thanh niên mới lớn, nhanh nhảu vác những “sạp” tượng ra tận bờ sông đón ánh nắng mặt trời cho khô.

Cách TP Huế khoảng chừng 10 cây số về hướng Đông Bắc, thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) nằm bên cạnh một nhánh của dòng Hương giang hiền hòa. Tại đây có một xóm nhỏ với 4 hộ dân vẫn bám trụ với nghề làm tượng ông Công, ông Táo từ bao đời nay.

Đến hẹn lại lên, khi người ta chuẩn bị sửa soạn để cúng tiễn ông Công, ông Táo về thiên đình là những lò nung của xóm nhỏ này lại đỏ lửa cả ngày lẫn đêm nhằm làm ra những bức tượng ông Táo bằng đất phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế và của cả những người dân ở các tỉnh xa gần.

PV báo điện tử Người Đưa Tin có mặt tại nhà ông Võ Văn Nam (50 tuổi, trú ở thôn Địa Linh), một gia đình nhiều đời làm tượng “ông Táo đất”. Khi PV đến, đúng lúc gia đình ông đang chuẩn bị mẻ tượng với hàng ngàn bức cho đợt giao hàng trước ngày 23 tháng Chạp.

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 1

Khâu chọn nguyên liệu đất sét rất quan trọng, loại đất để làm tượng không được lẫn tạp đất khác, phải nhào nặn thật mịn.

Sau khi nhào nặn cho nhuyễn phần đất sét thô, ông Nam nhanh chóng cho từng mảng đất sét bằng bàn tay vào một chiếc khuôn hình hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau, với khổ khoảng 10x10cm và dập mạnh. Hình hài của “tam vị” Táo bằng đất sét dẻo hình thành và được ông Nam nhẹ nhàng đặt lên những viên gạch xếp bên cạnh.

Sau khi những bức tượng này “ráo nước” và cứng hơn, vợ ông Nam xếp vào gánh, rồi đưa xếp vào lò nung với thời gian 1 – 2 ngày đêm.

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 2

Ở khâu dập khuôn, khi gạt phần đất thừa cũng phải khéo léo, nếu không cẩn thận mặt sau của tượng sẽ bị lồi lõm. Nếu trường hợp bị lồi lõm thì phải dung dao “miết” cho mịn.

Đến khi những bức tượng đã được nung xong, những thành viên khác sẽ dỡ ra khỏi lò và phân loại ra để làm thành hai loại tượng: Tượng sơn toàn màu đỏ thẫm và tượng sơn toàn màu hồng, tô điểm thêm hạt kim tuyến phần râu, tóc của “tam vị” Táo.

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 3

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 4

Phần "trang điểm" của tam vị Táo cũng đòi hỏi sự cẩn thận và có hoa tay.

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 5

Một số tượng ông Công, ông Táo chỉ tô màu đỏ thẫm rồi phơi khô, không cần trang trí gì thêm.

Những bức tượng sau khi hoàn thành sẽ được đóng gói cẩn thận trong các thùng mì tôm. Những thương lái chợ Đông Ba sẽ thu mua tất cả, một phần phân phối cho các cửa hàng bán đồ cúng lễ phục vụ nhu cầu người dân trong khu vực. Một phần nữa họ sẽ đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, có khi vào tận TP Hồ Chí Minh, ra ngoài Hà Nội.

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 6

Tượng ông “Táo đất” được tạo ra như thế nào? - 7

Sản phẩm tượng sau khi hoàn thành sẽ được các thương lái thu mua và bán khắp nước.

Nghề làm tượng “ông Táo đất” hiện nay là một trong những nghề truyền thống hiếm hoi ở Huế. Trước đây, ở thôn Địa Linh có rất nhiều hộ gia đình theo nghề, nhưng do công việc nặng nhọc, thu nhập không cao nên đến giờ chỉ cò 4 gia đình là 4 anh em ruột nhà ông Nam bám trụ nghề.

Dù khó khăn, cực nhọc, cả ngày lấm lem bùn đất nhưng ông Nam vẫn hết lòng đam mê, ngày ngày miệt mài với những bức tượng đất. 3 giờ sáng, vợ chồng ông đã phải thức dậy, họ cứ làm như thế cho đến khi hết đất thì nghỉ. Ông Nam buồn tâm sự: “Nghề này lời lãi chi mô, chỉ đủ ăn thôi. Mấy anh em tui còn theo nghề là không muốn mất đi nghề truyền thống của ông cha nhưng có lẽ đến đời tui thì không còn người nối nghiệp nữa. Mấy đứa con tui chẳng đứa nào thích làm nghề này hết”.

Tín ngưỡng thờ cúng ông Táo là một nét đẹp văn hóa được người Việt gìn giữ và trân trọng. Những người nhào nặn tượng ông Táo đất một phần nào đó đã góp phần làm sống động thêm nét đẹp văn hóa này. Hi vọng rằng, nghề làm “ông Táo đất” ở thôn Địa Linh sẽ mãi lưu truyền, để những bức tượng ông Công ông Táo với nhiều ý nghĩa tâm linh sẽ luôn hiện diện trong từng góc nhà, chái bếp, điểm tô thêm chút hương xuân cho tết cổ truyền của người dân xứ Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kông Thành ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN