Từ vụ CSGT giơ chân: Đừng làm “con bò” để gặp nguy hiểm

Bức xúc gọi người đi ngược chiều là “con bò” nhưng nickname H.T.G lại không ủng hộ hành động, CSGT “giơ chân” làm hai người đi xe máy ngã xuống đường.

Từ vụ CSGT giơ chân: Đừng làm “con bò” để gặp nguy hiểm - 1

Hành động CSGT giơ chân khiến hai người đi xe máy ngã xuống dải phân cách đường Xã Đàn.

“Con bò” và chuyện đi ngược chiều

Ngày 21.7, một người dùng Facebook có nickname H.T.G chia sẻ trên trang cá nhân góc nhìn về câu chuyện chiến sĩ CSGT Hà Nội “giơ chân” và đôi nam nữ đi xe máy ngã ở đường Xã Đàn (Hà Nội).

Trong bài viết của mình nickname H.T.G gọi những người đi xe ngược chiều là “con bò”.

Theo nickname H.T.G chia sẻ trong bài viết, lý do anh gọi người đi xe ngược chiều là “con bò” vì trong một lần anh đi ô tô ở đường Láng - Hòa Lạc (nay là đại lộ Thăng Long) với tốc độ cao thì hai người đi xe máy ngược chiều bất ngờ xuất hiện trước đầu xe với khoảng cách 10 mét. Quá bất ngờ, nickname H.T.G đã gọi 2 người đi xe ngược chiều là “hai con bò”.

Dù bức xúc vì từng đối mặt với tình huống suýt đâm vào người liều lĩnh đi ngược chiều nhưng nickname H.T.G lại không theo số đông ủng hộ hành động, CSGT “giơ chân” khiến hai người đi xe máy ngã xuống đường.

Nickname H.T.G cho rằng, chiến sĩ CSGT “giơ chân” trong đoạn clip đã “không làm đúng quy trình”.

“Có luật nào cho phép cảnh sát giao thông đạp vào người đi đường khi phát hiện họ phạm luật? Ủng hộ hành động này thì nay mai xuất hiện vô vàn trường hợp tương tự trong bối cảnh vi phạm luật giao thông tràn lan hiện nay…” nickname H.T.G nêu ý kiến.

Theo nickname H.T.G, người đi xe máy vi phạm không phải tội phạm vì vậy không đáng bị CSGT quyết liệt ngăn chặn dẫn tới việc đối điện với nguy hiểm.

Cuối cùng, nickname H.T.G thừa nhận mình từng là “con bò” – người đi ngược chiều và khuyến cáo mọi người không nên đi ngược chiều để không bảo đảm tính mạng của bản thân.

CSGT có được đạp người vi phạm hành chính?

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định, CSGT có quyền sử dụng các biện pháp kể cả vũ lực như đá, đạp ngã xe, đánh, trấn áp để bắt giữ đối tượng trong trường hợp phát hiện phạm tội quả tang như cướp, cướp giật, gây thương tích...

Trường hợp, khi làm nhiệm vụ CSGT phát hiện người vi phạm trật tự an toàn giao thông thì phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo đúng quy định như ra hiệu lệnh, dùng dụng cụ chặn xe, truy đuổi... chứ không được đạp, đá người vi phạm. Bởi hành vi trên có thể gây nguy hiểm tính mạng người vi phạm.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) rằng, theo các quy định hiện hành thì CSGT không được quyền giơ chân đạp người có hành vi vi phạm hành chính. CSGT có thể sử dụng nghiệp vụ khác như ghi lại biển số xe, truy đuổi, báo cho đồng đội chốt kế cận để chặn xử lý nếu người vi phạm bỏ chạy.

“Nếu hai người đi xe máy chỉ vi phạm luật giao thông, không tuân thủ yêu cầu dừng xe kiểm tra bỏ chạy thì cán bộ CSGT đã hành động vượt quá thẩm quyền.

Chỉ trong trường hợp các đối tượng bỏ chạy vì vừa vi phạm hình sự như cướp, cướp giật, tấn công người thi hành công vụ thì mới cần thiết phải ngăn chặn. Người vi phạm bỏ chạy là sai nhưng người thực thi pháp luật chỉ được tác nghiệp trong quyền hạn của mình.

Tuy nhiên, hành vi bỏ chạy của người điều khiển phương tiện cũng cần bị lên án, xử lý nghiêm”, luật sư Tuấn Anh cho hay.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Theo quy định, CSGT được sử dụng vũ lực ngăn chặn, tước hung khí của đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Trong trường hợp xảy ra ở đường Xã Đàn, bước đầu xác định, hành động của chiến sĩ CSGT phù hợp với quy định.

“Trong trường hợp đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì không chỉ người thi hành công vụ mà người dân cũng có thể có hành động phòng vệ, ngăn chặn nếu hành vi đó nguy hiểm cho mình và người khác.

Trong sự việc ở Xã Đàn, dấu hiệu phạm tội chống người thi hành công vụ của người điều khiển xe máy là rõ ràng. Vì vậy, chiến sĩ CSGT có biện pháp phòng vệ và tước hung khí người vi phạm như vậy là phù hợp với quy định.

Hung khí trong trường hợp này chính là phương tiện giao thông đang lao thẳng vào người CSGT gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người đang thi hành công vụ và cả người khác”, Thiếu tướng Quân cho biết.

Trả lời câu hỏi “với những trường hợp vi phạm hành chính, cán bộ CSGT có được tung châm đạp hoặc dùng vũ lực với người vi phạm hay không?” Thiếu tướng Quân cho biết: Theo quy định, với những trường hợp vi phạm hành chính, CSGT không áp dụng biện pháp vũ lực để ngăn chặn, cũng như đạp ngã người vi phạm.

Đề xuất tăng cường phạt nguội, xử lý “con bò”

Trao đổi PV, chủ nhân nickname H.T.G cho rằng, CSGT Hà Nội có thể ghi lại hình ảnh hai người chạy ngược chiều bị ngã sau cú “tung chân” CSGT để xử phạt nguội.

“Với hệ thống camera rộng khắp, hệ thống máy tính quản lý xe hiện đại, công an sẽ truy ra hai người chạy ngược chiều để xử phạt và công bố rộng rãi”, nickname H.T.G nêu ý kiến.

Từ vụ CSGT giơ chân: Đừng làm “con bò” để gặp nguy hiểm - 2

Nickname H.T.G nêu quan điểm về vụ việc CSGT tung chân, người chạy ngược chiều ngã xuống đường.

Theo nickname H.T.G, nếu công an tăng cường xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát thì tình trạng vi phạm giao thông như trong đoạn clip có thể được cải thiện. Người vi phạm sẽ không quay đầu bỏ chạy khi biết rằng vi phạm của mình đã bị camera ghi nhận và chắc chắn sẽ bị phạt nguội.

Liên quan đến đề xuất này, thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết, hệ thống camera giám sát ở Hà Nội mới được lắp đặt ở các nút giao thông quan trọng như ngã ba, ngã tư nên chưa thể giám sát hết tất cả các tuyến đường. Vì vậy, nếu đối tượng chạy ngược chiều ở đoạn đường không có camera thì rất khó phát hiện, xử lý.

Trung tá Huỳnh Tấn Nam – Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết thêm, việc ghi nhận hình ảnh người đi ngược chiều để xử phạt nguội hiện khó khăn vì camera không ghi nhận được biển số xe chạy ngược chiều để xác minh, xử phạt.

“Các camera ở nút giao thông đặt xuôi chiều theo hướng phương tiện, trong khi xe máy không có biển số phía trước, vì vậy nếu người vi phạm đi xe máy chạy ngược chiều thì không thể ghi nhận được biển số”, trung tá Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo trung tá Nam, quá trình theo dõi qua camera giám sát, nếu phát hiện các trường hợp đi ngược chiều… cán bộ Đội Chỉ huy giao thông sẽ thông báo tới tổ công tác trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường kịp thời xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN