Từ 1.7, sẽ trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng

Hiến pháp cùng những vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, kinh tế - xã hội… sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.

Từ 1.7, sẽ trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng - 1

Từ 1.7, Luật trưng cầu ý dân chính thức có hiệu lực (ảnh: Trọng Phú/PLO) 

Luật Trưng cầu ý dân 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25.11.2015, có hiệu lực từ ngày 1.7.2016.

Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. 

Cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại UBND cấp xã nơi mình đăng ký thường trú hoặc tạm trú để được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.

Cũng tại điều 24 luật này quy định, mọi công dân có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, nơi có cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày Chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận và nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất.

Căn cứ vào kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN