Trung Quốc đã làm gì để hạn chế xe máy?

Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều xe máy nhất thế giới với khoảng gần 5 triệu chiếc. Tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến xe máy cũng đang rất đáng báo động. Quảng Châu (Trung Quốc) - một thành phố mang nhiều nét tương đồng với Hà Nội - đã từng thực hiện rất thành công các biện pháp nhằm hạn chế và cấm hoàn toàn xe máy.

Bài toán với 400.000 chiếc xe máy

Trung Quốc đã làm gì để hạn chế xe máy? - 1

Thời điểm Quảng Châu chưa cấm xe máy.

Những năm 1980, kinh tế Quảng Châu phát triển vượt bậc và mức sống người dân được cải thiện đáng kể. Xe máy dần trở nên phổ biến. Năm 1982, số lượng xe máy trong nội đô Quảng Châu là 8.892 chiếc. Năm 1997, xe máy vượt mốc 400.000 chiếc. Xe máy cùng xe bus trở thành 2 loại phương tiện di chuyển chính trong thành phố Quảng Châu với dân số 5 triệu người.

Số lượng lớn xe máy đã gây ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ngoài ra, tai nạn liên quan đến xe máy cũng chiếm tỉ lệ cao. Xe máy là nguyên nhân hàng đầu gây chết người ở Quảng Châu; xe máy gây náo loạn giao thông khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra... Đó là những nguyên nhân khiến chính quyền sở tại quyết tâm thực hiện lệnh cấm triệt để xe máy.

Lộ trình hơn 10 năm

Tháng 10.1991, Sở Cảnh sát Quảng Châu thông báo cấm xe máy không đăng kí từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ở 8 quận nội thành. Mỗi tháng chỉ được phép cấp mới 500 xe máy. Từ năm 1995, không được phép cấp mới xe máy ở Quảng Châu.

Trung Quốc đã làm gì để hạn chế xe máy? - 2

Các biện pháp nhằm cấm xe máy lưu thông trên đường

Tháng 6.1996, chính quyền thành phố ban hành kế hoạch phát triển 5 năm bao gồm đồng bộ hạ tầng, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy lưu thông trên đường. Từ năm 1999, tất cả xe máy nào không có đăng kí sẽ bị cấm hoạt động ở Quảng Châu.

Tháng 1.2002, tất cả xe máy hoạt động trên 15 năm sẽ bị tịch thu. Trường hợp ngoại lệ xảy ra nếu chủ xe đáp ứng được yêu cầu khí thải của thành phố. Sau đó một năm, xe máy chỉ được phép sử dụng tối đa 10 năm sau lần đăng kí đầu tiên. Bất kì xe nào hoạt động trước năm 1990 đều bị tịch thu không cần xem xét.

Trung Quốc đã làm gì để hạn chế xe máy? - 3

Xe máy bị tịch thu ở Quảng Châu.

Chính sách tịch thu xe máy được thực hiện với hơn 5.000 xe bị thu giữ. Bên cạnh lệnh bắt buộc tịch biên tài sản, khoản tiền hơn 6,27 triệu nhân dân tệ (khoảng 20 tỉ đồng) cũng được chi ra cho việc đền bù. Trung bình mỗi xe được đền bù 4 triệu.

Khoản tiền được tính dựa theo thời gian sử dụng xe máy, ít hơn 10 năm hay trên 10 năm. Xe máy nào lưu hành trên 13 năm thì không được nhận tiền đền bù.

Để hạn chế xe máy mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, Quảng Châu đã phát triển nhiều loại phương tiện công cộng như xe bus. Ngoài những xe bus lớn trên các tuyến phố chính, nhiều xe bus nhỏ cũng được bổ sung để tới những con phố chật hẹp. Hơn 50 tuyến đường nhỏ và ngắn được bổ sung các xe bus phù hợp.

Trung Quốc đã làm gì để hạn chế xe máy? - 4

Giao thông công cộng là cứu cánh sau khi xe máy bị cấm ở Quảng Châu.

Tuy nhiên, thời gian đầu, do sự chuẩn bị chưa đồng bộ, hệ thống xe bus cỡ nhỏ chưa được nghiên cứu khiến nhiều xe dù, xe kéo xuất hiện.

Sau 10 năm thực hiện lệnh cấm xe máy từ năm 1997, Quảng Châu đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm đáp ứng được nhu cầu của 15 triệu dân thành phố. Từ năm 2007, Quảng Châu sạch bóng xe máy.

Ngoài ra, theo tính toán của Uỷ ban môi trường Quảng Châu, lệnh cấm xe máy giúp giảm 24.000 tấn CO, 300 tấn NO2 và 300 tấn chất hạt thải ra không khí mỗi năm.

Theo Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân đang tăng rất mạnh. 8 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ô tô, 143.000 mô tô), nâng tổng số xe tại Hà Nội lên 5,5 triệu (gần 535.000 ô tô và hơn 4,9 triệu mô tô), chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn hoạt động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh – ITDP ([Tên nguồn])
Hạn chế phương tiện cá nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN