Trẻ sơ sinh đóng tiền nông thôn mới: PCT huyện nói gì?

Sự kiện: Thời sự Hải Dương

“Huyện thấy rằng việc này cũng chưa thực sự phù hợp nên sẽ chỉ đạo bàn bạc để xem lại mức đóng góp đối với trẻ em mới sinh ra cho phù hợp” - Phó Chủ tịch huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm nói với Pháp Luật TP.HCM.

Như chúng tôi đã phản ánh trên các số báo ra gần đây về việc người dân ở xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) bức xúc việc huy động tiền làm đường nông thôn mới (NTM) quá sức đối với điều kiện của bà con, sau nhiều ngày im lặng, ngày 16-8, lãnh đạo huyện Nam Sách đã đồng ý gặp PV báo Pháp Luật TP.HCM để trao đổi về các vấn đề liên quan.

Ông Hồ Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, nói: Việc làm đường trục xã của xã An Bình phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với chương trình xây dựng NTM của địa phương.

“Xã đã báo cáo lên UBND huyện, chúng tôi đánh giá là đảm bảo quá trình dân chủ: Nghị quyết và kế hoạch của UBND xã đã được thảo luận. Theo báo cáo của xã, đa số người dân đồng tình về chủ trương” - ông Lâm nói.

Kiểm tra các trường hợp xã “giở chiêu” ép dân đóng tiền

Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi đã tiếp xúc với người dân ở thôn An Đông, xã An Bình, người dân phản ánh chỉ đồng ý chủ trương làm đường vì đường đã quá xuống cấp nhưng không đồng ý phương án tài chính. Bởi theo Quyết định 800 ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 thì các địa phương chỉ được huy động nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%, trong khi chính quyền xã An Bình huy động 50%. Ông có thấy điều này bất hợp lý không?

Ông Hồ Ngọc Lâm: Việc huy động tiền đóng góp để làm đường ở An Bình đã được bàn bạc với người dân và được người dân nhất trí theo quy chế dân chủ rồi.

Chỉ một số ít hộ gia đình khó khăn chưa đồng tình thì UBND xã đã tuyên truyền vận động. Mức đóng góp mà xã đưa ra là dựa trên cơ sở dự toán do xã thuê đơn vị tư vấn làm. Sau đó, xã làm báo cáo lên huyện, các phòng chức năng của huyện thẩm định. Huyện phê duyệt chủ trương về phương án nguồn vốn dựa vào các nguồn vốn sau: Nguồn vốn của tỉnh và huyện hỗ trợ; nguồn ngân sách xã và nguồn từ dân đóng góp.

Kế hoạch 92 của UBND xã An Bình (kế hoạch làm tuyến đường trên - PV) không phải văn bản pháp quy. Trong quá trình triển khai thực hiện, có những ý kiến chưa hợp lý thì điều chỉnh cho hợp lý.

Trẻ sơ sinh đóng tiền nông thôn mới: PCT huyện nói gì? - 1

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm cho hay chỉ xem xét, bàn bạc lại mức thu đối với trẻ em (dù mới ra đời) cho phù hợp chứ không thừa nhận thu như thế là sai. Ảnh: namsach.haiduong.gov.vn

Bây giờ làm tất cả công trình xây dựng NTM nếu không có đóng góp của nhân dân thì làm sao hoàn thành được. Các hộ không đồng tình chỉ là con số nhỏ, xã đã làm công tác vận động, tuyên truyền rồi.

Thưa ông, không hiểu xã tuyên truyền thế nào nhưng không ít người dân cho hay xã giở chiêu ép người dân phải đóng. Như báo chí đã phản ánh về trường hợp của em Nguyễn Thị Quyên chưa đóng tiền làm đường thì xã bút phê xấu vào sơ yếu lý lịch, ngoài ra người dân còn phản ánh với chúng tôi muốn cắt hộ khẩu hay làm giấy khai sinh cho em bé mới sinh thì phải đóng tiền rồi cán bộ xã mới làm giấy khai sinh hoặc ký giấy xác nhận cắt hộ khẩu. Chính quyền giở chiêu ép người dân đóng tiền như vậy, huyện nhìn nhận việc này thế nào?

Việc bút phê vào sơ yếu lý lịch của em Nguyễn Thị Quyên, chính quyền xã đã có phương án khắc phục sai và đã xin lỗi gia đình công khai như báo chí đưa tin.

Những trường hợp khác liên quan việc ký giấy xác nhận cắt hộ khẩu hay làm giấy khai sinh thì phải đóng tiền NTM xã mới làm chúng tôi sẽ kiểm tra. Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật.

Huy động cả trẻ em: “Sẽ bàn lại mức đóng góp cho phù hợp”?

Nhiều ý kiến cho rằng việc huy động mức đóng góp của người dân phải phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không thể đánh đồng theo đầu người. Trong khi xã An Bình thì căn ngang theo đầu người áp mức thu, đến mức em bé mới sinh ra cũng bị huy động luôn. Điều này là rất không hợp lý, huyện thấy thế nào?

Qua phản ánh và theo dõi, chúng tôi thấy tồn tại việc chia theo nhân khẩu để đóng góp. Theo bản kế hoạch của xã, những trẻ em sinh ra từ 30-6-2017 trở về trước thu 60% so với khẩu bình thường. Trẻ em sinh ra từ 1-7-2017 về sau thu 40% so với khẩu bình thường. Huyện cũng thấy rằng việc này cũng chưa thực sự phù hợp nên sẽ chỉ đạo bàn bạc để xem lại mức đóng góp đối với trẻ em mới sinh ra cho phù hợp với quy định.

Những khẩu có khó khăn thực sự thì huyện sẽ chỉ đạo giãn khoảng thời gian đóng góp ra, có thể kéo dài 1-2 vụ nữa. Tất cả việc này phải bàn bạc với nhân dân.

Thưa ông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có chỉ đạo sẽ kỷ luật người đứng đầu nếu huy động quá sức dân trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình xây dựng NTM, chắc ông đã nắm được chỉ đạo này của trung ương?

Huyện sẽ có những cuộc họp quán triệt chỉ đạo đó và có văn bản chỉ đạo các đơn vị. Những việc thấy chưa phù hợp thì điều chỉnh cho phù hợp.

Vậy huyện có xử lý trách nhiệm những cán bộ nếu làm sai chỉ đạo của Phó Thủ tướng?

(Ông Lâm chỉ cười, không trả lời!)

Gia đình không có 12 triệu đóng làm đường, xã phê “lý lịch xấu”

Theo anh Cường, chỉ vì gia đình anh chưa có tiền đóng góp làm đường liên thôn mà em gái anh bị Phó Chủ tịch xã bút phê...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HẢI ĐƯỜNG (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN