Trạm BOT Cai Lậy: Bộ GTVT giải thích vì sao 2 cầu lại biến thành cống

Đại diện Bộ GTVT thông tin, chủ đầu tư đã kiến nghị thay thế 2 cây cầu trên tuyến đường tránh bằng cống hộp.

Trạm BOT Cai Lậy: Bộ GTVT giải thích vì sao 2 cầu lại biến thành cống - 1

Theo quyết định ban đầu sẽ xây dựng cầu ông Thiệm nhưng thực tế lại là cống hộp. (Ảnh: Người lao động)

Chiều 17/8, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo về mức phí đường bộ tại trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đặt câu hỏi, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải ký, đường tránh trên 1.000 tỷ đồng ở Cai Lậy có 7 cây cầu được xây mới nhưng thực tế chỉ có 5 cầu. Vậy vì sao 2 cây cầu lại “biến” thành cống?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, do quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, địa phương đã đề xuất chuyển đổi 2 cây cầu thành cống hộp và Bộ GTVT đã đồng ý.

"Việc này giống như cái cửa, ban đầu thiết kế 2m nhưng sau đó thấy cao quá nên chỉ làm 1,8m, vấn đề là phải đảm bảo thoát nước cho bà con. Còn việc giảm được bao nhiêu kinh phí sau khi 2 cầu thành cống, chúng tôi sẽ có con số cụ thể. Tuy nhiên chắc chắn kinh phí giảm không được nhiều" - ông Đông nói.

Tại đây, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, Bộ GTVT xử lý như thế nào nếu trong thời gian tới người dân tiếp tục trả tiền lẻ khi qua trạm Cai Lậy.

Ông Đông cho hay, nếu người dân tiếp tục trả tiền lẻ, cơ quan chức năng cụ thể là UBND tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý.

“Việc xử lý như thế nào sẽ tùy vào diễn biến xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài sẽ hướng các trạm BOT trên cả nước và trạm BOT Cai Lậy sử dụng thu phí điện tử giống như trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”, ông Đông nói.

Trạm BOT Cai Lậy: Bộ GTVT giải thích vì sao 2 cầu lại biến thành cống - 2

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc báo

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chia sẻ, Bộ GTVT không muốn bị nhà đầu tư kiện. Bởi việc xảy ra ở BOT Cai Lậy rất đáng tiếc.

“Bộ không thể cản được việc chủ đầu tư kiện lại cơ quan quản lý Nhà nước khi lợi ích của họ ảnh hưởng. Trong hợp đồng có ghi nếu mâu thuẫn không thể giải quyết được thì sẽ ra tòa án. Chúng tôi không kỳ vọng việc phải ra tòa và mong muốn các chủ đầu tư ngồi lại cùng giải quyết cùng Bộ GTVT”, ông Đông nói.

Theo Thứ trưởng Đông, ai cũng mong muốn đi đường miễn phí. Ở nước ngoài, một số nước không thu phí bởi họ có ngân sách. Còn ở các nước đang phát triển phải thu hút kênh tư nhân để đầu tư.

Ngân sách của Việt Nam hiện nay không đáp ứng được. Nếu dùng ngân sách nhà nước Bộ GTVT rất hoan nghênh nhưng ngân sách không đủ. Bộ sẽ cùng với chủ đầu tư giải quyết một cách hài hòa  lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư.

Dự án xây dựng tuyến đường tránh Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) và tăng cường mặt đường QL1 (đoạn từ Km 1987 đến Km 2014)  được khởi công vào năm 2014, xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT.  Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.398 tỷ đồng

Dự án có chiều dài 38,52km, trong đó, đoạn gia cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5km, còn đoạn tuyến đường tránh xây mới dài 12,02km. Dự án do liên danh nhà đầu tư Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 thực hiện.

Đặt trạm thu phí Cai Lậy trên QL1A: Giải thích của Bộ GTVT

Việc đặt trạm Cai Lậy tại vị trí hiện nay hoàn toàn nằm trong phạm vi dự án và được Bộ GTVT đồng ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí trạm Cai Lậy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN