Trả lại “tên” cho môn Lịch sử

Đó là khẳng định của GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam với báo Dân Việt ngày 8.12, sau buổi tọa đàm trực tiếp với lãnh đạo Bộ GD ĐT về “số phận” của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Thưa GS, sau khi nghị quyết Quốc hội đã thông qua và nhấn mạnh việc giữ lại môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, tại sao Hội vẫn tiếp tục đề xuất những buổi trao đổi trực tiếp như vậy?

GS. Phan Huy Lê: Suốt từ tháng 10 đến nay, dư luận rất ồn ào về số phận môn Lịch sử. Thực ra, Hội Khoa học Lịch sử có mong muốn và đã kiến nghị tổ chức một buổi tranh luận công khai giữa Bộ GD-ĐT và Hội về những vấn đề liên quan đến môn Sử để xã hội hiểu rõ, nhìn nhận 1 cách khách quan, tránh những tranh cãi kéo dài không cần thiết trên báo chí như những ngày qua. Tuy nhiên, tôi không vui vì sau đó Ban Tuyên giáo kiến nghị tổ chức tọa đàm quy mô nhỏ, lại không cho báo chí tham gia đưa tin rộng rãi. Tọa đàm thực chất là cuộc tranh luận nhằm ngã ngũ các vấn đề: Giữ lại môn sử không? Giữ lại như thế nào?

Các chuyên gia đều nhận thức được rằng, môn Sử phải là môn bắt buộc và độc lập. Không phải muốn tách ra là tách ra, muốn xé lẻ là xé lẻ. Phải dành cho nó một vị trí xứng đáng trong giáo dục phổ thông, phải được đặt ngang hàng với môn Ngữ văn, Tiếng Việt và Toán. Bộ GD-ĐT cuối cùng cũng đồng tình với quan điểm này và đưa ra quyết định môn này được giữ lại trong hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học trở lên và là môn học bắt buộc.

Trả lại “tên” cho môn Lịch sử - 1

Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Vậy ở các cấp học, môn Lịch sử sẽ được giảng dạy như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi thống nhất quan điểm, ở cấp tiểu học được  tích hợp trong môn Cuộc sống quanh ta và một số môn học khác. Nhưng cần làm rõ, việc tích hợp không phải là cắt ghép cơ học, cũng không đơn giản nằm ở cái tên gọi của môn học. Bộ GD-ĐT cần có những nghiên cứu cụ thể về nội dung để đưa vào môn học cho phù hợp, nhằm đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất.

Lên cấp THCS, Hội kiến nghị bỏ tên gọi môn Khoa học xã hội vì gọi như thế là chưa hợp lý. Khoa học xã hội bao gồm nhiều môn khác chứ không chỉ có Sử - Địa. Bộ thống nhất sẽ gọi là hai môn Sử và Địa riêng và có thêm phần tích hợp liên môn những nội dung về chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa…Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT còn băn khoăn về việc sẽ ra 3 cuốn sách khác nhau cho hai môn học này như thế nào? Cái này tôi nghĩ không hề khó.

Ở cấp THPT, sau những lập luận của các nhà khoa học, rất mừng vì cuối cùng chính TS. Đỗ Ngọc Thống – người chủ động đề xuất môn học Công dân với tổ quốc trước đó đưa ra đề nghị bỏ hoàn toàn môn học này. Theo ý Bộ GD-ĐT, Sử sẽ được đứng độc lập và chia thành 3 loại: Sử 1 cho chuyên ngành KHXH, Sử 2 chuyên ngành KHTN và Sử chuyên sâu.

Như vậy, môn Lịch sử đã được “trả lại tên” đứng độc lập ở cấp THCS và THPT, vấn đề tiếp theo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ làm gì để môn sử có vị trí thực sự đối với người học?

Thực tế, môn Sử hiện nay chưa sa sút đến mức độ trở thành một môn học vô bổ, bắt trẻ em trở thành nô dịch cho những kiến thức lịch sử khô khan, nhàm chán. Bài sử nào cũng bắt đầu bằng diễn biến, nguyên nhân thắng lợi, kết quả, bài học… lặp đi lặp lại trở thành “gông cùm” đối với người học. Trong đổi mới giáo dục lần này, chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi hoàn toàn, giống như một cuộc cải tổ thực sự để vực lại môn Sử. Trước hết là thay đổi nhận thức, viết lại sách giáo khoa, đào tạo lại giáo viên… Coi Lịch sử là 1 môn khoa học thực sự trong trường học. Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT cần thay đổi phương thức làm việc là chỉ thu nhỏ ban cải cách vào một số chuyên gia. Cần mở rộng, nghiên cứu đến đâu, đưa ra phản biện tranh luận đến đấy sau đó mới có kết luận đề xuất lên Bộ trưởng.

Hội Khoa học Lịch sử sẽ tham gia trực tiếp vào những cải cách này chứ, thưa ông?

Chúng tôi đã có những sự phối hợp với Bộ GD-ĐT như: ký biên bản ghi nhớ về việc đánh giá lại môn Sử trong chương trình phổ thông, đưa ra giải pháp kiến nghị; tổ chức vinh danh học sinh giỏi quốc gia môn sử; tổ chức các cuộc  thi em yêu lịch sử cấp quốc gia…. Chúng tôi sẵn sàng tham gia mọi hoạt động cải cách của Bộ GD-ĐT liên quan đến môn học này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vừa hợp tác, vừa phản biện, cái nào sai sẽ phản biện thẳng thừng, phản biện đến cùng để tiến tới những gì hợp lý nhất.

Cảm ơn giáo sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN