TQ: Mâu thuẫn sắc tộc ở Tân Cương ngày càng sâu sắc

Các sắc tộc ở Tân Cương ngày càng bị đẩy vào thế nghi kỵ và thù hằn lẫn nhau.

Yang Bin và Chen Li là hai vợ chồng người Hán đang sinh sống giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, thế nhưng họ hầu như không giao tiếp gì với những người hàng xóm xung quanh.

Yang tâm sự: “Chúng tôi không nói tiếng của họ, thế nên chúng tôi không trò chuyện với họ một chút nào. Họ gần như là người ngoại quốc, và họ cư xử giống như người ngoại quốc.”

Báo chí Trung Quốc từ lâu vẫn tuyên truyền rằng người Hán và các dân tộc thiểu số ở Urumqi hòa nhập với nhau rất dễ dàng. Thế nhưng những cuộc phỏng vấn với hàng chục người dân đã chứng tỏ một thực tế khắc nghiệt rằng mối quan hệ giữa các nhóm sắc tộc ở đây đang ngày càng căng thẳng bởi những hiểu lầm và nghi kỵ lẫn nhau, đặc biệt là sau vụ đánh bom kinh hoàng diễn ra ở khu chợ Urumqi hôm thứ Năm khiến 43 người chết.

TQ: Mâu thuẫn sắc tộc ở Tân Cương ngày càng sâu sắc - 1

Trung Quốc ồ ạt điều cảnh sát vũ trang tới Tân Cương sau vụ đánh bom hồi tuần trước

Quan hệ giữa các nhóm sắc tộc ở Tân Cương bắt đầu xấu đi sau vụ nổi loạn vào năm 2009 khiến gần 200 người chết. Người Hán và người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu chuyển đi khỏi “địa bàn” của nhau, khiến thành phố 3 triệu dân này ngày càng bị chia cắt rõ ràng về sắc tộc.

Mối quan hệ căng thẳng này khiến dư luận đặt câu hỏi về cách mà nhà cầm quyền Bắc Kinh xử lý những bất ổn ngày càng gia tăng trước nỗi bất bình của người Duy Ngô Nhĩ bản địa trước dòng người Hán nhập cư đang ồ ạt đổ về đây cùng những chính sách mang tính phân biệt như cấm đưa trẻ em tới các nhà thờ Hồi giáo.

Người Hán bắt đầu di cư ồ ạt vào Tân Cương sau khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “phát triển miền Tây” và xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng cùng hệ thống đường ray tàu hỏa tới Tân Cương và Tây Tạng. Thế nhưng người Duy Ngô Nhĩ bản địa cho rằng chỉ có người Hán di cư được lợi từ các chính sách này.

Ông Ahmed A.S. Hashim, một chuyên gia nghiên cứu về khủng bố tại Đại học Kỹ thuật Nanyang của Singapore cho biết: “Người Duy Ngô Nhĩ ngày càng bức xúc khi họ nhận ra rằng bản sắc của mình trên chính quê hương bản quán đang ngày càng mất dần đi. Những lời hứa mà người Trung Quốc đưa ra về phát triển kinh tế và việc làm có vẻ như không trở thành hiện thực.”

TQ: Mâu thuẫn sắc tộc ở Tân Cương ngày càng sâu sắc - 2

Trên một chuyến xe bus ở thủ phủ Urumqi

Một doanh nhân phương Tây làm ăn ở đây cho biết sau vụ nổi loạn năm 2009, người Duy Ngô Nhĩ ở Urumqi bắt đầu chuyển tới sống ở phía nam thành phố, nơi có đông đảo cộng đồng người Hồi giáo, để lại khu vực phía bắc cho người Hán di cư.

Ông David Brophy, sử gia tại Đại học Sydney từng sống ở Urumqi nhận định: “Urumqi đã trở thành một thành phố ngày càng bị chia rẽ, đặc biệt là sau vụ nổi loạn 2009.” Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh là cho đến nay chính quyền chưa thực hiện bất cứ nghiên cứu độc lập nào về sự chuyển dịch nhân khẩu vì lý do sắc tộc trong thành phố này.

Một phụ nữ người Hán giấu tên trả lời phóng viên rằng bạn bè của cô gọi khu dành cho người Hán ở thành phố Urumqi là “vùng giải phóng”, còn khu có đông người Duy Ngô Nhĩ sinh sống là “vùng kẻ thù”.

TQ: Mâu thuẫn sắc tộc ở Tân Cương ngày càng sâu sắc - 3

Một người đàn ông Hán ngồi chung xe bus với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ

Theo ông Brophy, nhà ga trung tâm ở Urumqi nơi xảy ra vụ tấn công bằng bom và dao hồi tháng trước chính là biểu tượng cho làn sóng nhập cư ồ ạt của người Hán vào Tân Cương. Nhiều người dân ở Urumqi cũng tin rằng vụ đánh bom kinh hoàng hôm thứ Năm tuần trước cũng xuất phát từ động cơ sắc tộc nhắm vào cộng đồng người Hán.

Trong vụ tấn công hôm thứ Năm tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố danh tính của 5 nghi phạm, và nhiều khả năng họ là người Duy Ngô Nhĩ bản địa. Hôm Chủ nhật, chính phủ Trung Quốc kêu gọi những người có liên quan đến vụ tấn công ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.

Không giống nhiều dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa khá khác biệt của mình và nói ngôn ngữ Đột Quyết (Turk) không hề có liên quan đến tiếng Hoa, đồng thời vẫn duy trì các phong tục Hồi giáo giống như các quốc gia Trung Á.

TQ: Mâu thuẫn sắc tộc ở Tân Cương ngày càng sâu sắc - 4

Cảnh sát dùng máy dò kim loại kiểm tra người qua đường ở Tân Cương

Ông Yang Hanjiang, một người lái taxi người Hán ở Urumqi chia sẻ suy nghĩ của mình về sự thiếu hiểu biết của người Hán đối với bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ: “Người Hán không thực sự giao tiếp với người Duy Ngô Nhĩ. Trong trái tim và khối óc của người Duy Ngô Nhĩ, độc lập vẫn là một giấc mơ đau đáu.”

Theo ông Harim, mặc dù đã thực hiện chính sách thúc đẩy hòa hợp dân tộc, song người Hán vẫn đang ngày càng coi người Duy Ngô Nhĩ như những kẻ ly khai hoặc khủng bố Hồi giáo. Còn theo sử gia Brophy, cả người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương đang “thể hiện thái độ khá thù địch hoặc định kiến về nhau.”

Ông Brophy nói tiếp: “Vụ đánh bom trên là dấu hiệu cho thấy người dân đã sẵn sàng sử dụng những biện pháp kinh khủng hơn để bày tỏ sự phản đối, và những vụ tấn công như vậy lại càng tăng mối ác cảm của người Hán đối với người Duy Ngô Nhĩ. Đây quả là một vòng luẩn quẩn không lối thoát.”

TQ: Mâu thuẫn sắc tộc ở Tân Cương ngày càng sâu sắc - 5

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra trên đường phố Urumqi

Điều này được thể hiện rõ nét trong cộng đồng người Hán ở Urumqi. Trong một cửa hàng tạp hóa gần khu chợ nơi xảy ra vụ đánh bom, chủ cửa hàng luôn đề cao cảnh giác khi có người Duy Ngô Nhĩ bước vào. Ông chủ Jiang Lulu nói: “Nếu có người Duy Ngô Nhĩ vào đây, chúng tôi phải theo sát anh ta để đề phòng trường hợp anh ta bỏ gì đó vào đây, như chất nổ chẳng hạn. Chính quyền yêu cầu chúng tôi phải có những biện pháp đề phòng.”

Còn những người Hán sinh sống lâu năm ở Tân Cương cũng đang ngày càng xa cách với hàng xóm láng giềng. Một người cho biết: “Chúng tôi ngày càng ít nói chuyện với nhau hơn, và họ không tin tưởng chúng tôi. Giờ đây giữa chúng tôi đã có hố sâu ngăn cách.”

Các tài xế taxi người Hán ở Urumqi sợ bị tấn công đến mức họ rất ngại chở khách đến khu của người Duy Ngô Nhĩ, và họ không cho phép hành khách là nam giới ngồi ở ghế phía trên sau 10 giờ đêm.

Trong khi đó, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ than phiền rằng con gái cô thường xuyên bị bạn học ở trường gọi là “súc vật” mà thầy cô người Hán không hề can thiệp. Bà này tâm sự: “Chúng tôi đang sống trên mảnh đất quê cha đất tổ mà lại có cảm giác như mình là người nước ngoài.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN