TPHCM đang tự chặn đường thoát nước của mình

“Có những việc có thể làm được, nhưng không ai muốn làm là đừng san lấp những không gian chứa nước tự nhiên ít ỏi còn sót lại nhưng người ta vẫn làm hàng loạt khu đô thị mới, tiến hành san lấp rất nhiều kênh rạch, ao hồ tự nhiên” - TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TPHCM (HASCON) chia sẻ.

TPHCM đang tự chặn đường thoát nước của mình - 1

TPHCM chìm trong biển nước sau cơn mưa tối 15/9.

Kiến nghị mở rộng TPHCM về vùng cao không được lắng nghe

Chiều 17/9, trở lại xa lộ Hà Nội (quận 2), một trong những điểm ngập nặng trong trận mưa kỷ lục vừa qua, chúng tôi phát hiện hàng loạt nắp cống bằng thép với nhiều hoa văn rất đẹp trên đường. Chỉ có điều, nắp cống chỉ đục một lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay ở giữa để thoát nước xuống cống khi trời mưa.  

Bà Quyên bán áo mưa trên đường, nói: Mưa lớn không nói làm gì. Mưa nhỏ ở đây cũng ngập lênh láng. Họ làm cống rất to nhưng lỗ hố ga nhỏ xíu nên nước rút rất chậm. Nhiều hôm tôi phải bỏ buôn bỏ bán đi móc bao nylon, rác bị cuốn vào làm nghẹt để nước thoát nhanh hơn.

Trên một số tuyến đường thuộc quận 9 như Hồ Bá Phấn, Tây Hòa, Đỗ Xuân Hợp… nắp cống được đúc bằng bê tông, phía trên đục vài lỗ nhỏ để thoát nước. Nhiều nắp cống được trưng dụng làm nơi bỏ rác nên mất khả năng thoát nước khi mưa lớn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín kể, dưới nhiều tuyến cống bị nghẹt, công nhân thoát nước đã lôi lên hàng chục tấn rác, thậm chí có cả salon, bàn ghế.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TPHCM (HASCON) khi mưa lớn, lẽ ra nước phải được thoát nhanh ra sông, ra các hồ chứa tự nhiên nhưng hiện nay TPHCM chưa làm được. 

Hệ thống cống thoát nước đã quá cũ, xuống cấp, không còn phù hợp, cần thay mới nhưng TPHCM chưa có điều kiện để làm đồng bộ. Từ năm 1995 đến nay, việc san lắp mặt bằng diễn ra ồ ạt, đua nhau lấy hết các khu vực chứa nước tự nhiên, như các hồ, đầm, vùng trũng, nhất là ở các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, thậm chí ngay tại trung tâm TPHCM.

“Có những việc chúng ta có thể làm được, nhưng có lẽ không ai muốn làm là thôi đừng san lấp những không gian chứa nước tự nhiên còn lại rất ít ỏi. 

Tại hội thảo chống ngập do HASCON đồng tổ chức mấy năm trước, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng ngập úng sẽ ngày càng trầm trọng nếu tiếp tục san lấp vùng trũng. HASCON đã kiến nghị mở rộng và phát triển TPHCM về hướng Củ Chi, Thủ Đức là vùng cao không cần san lấp nhưng không được lắng nghe” - ông Phúc nhớ lại.

Theo GS TSKH Lê Huy Bá, TPHCM là “đô thị bán ngập triều”, hướng thoát lũ chính là Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc xuống Nam, Đông Nam và Tây Nam. Vì vậy, việc thành phố càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng Nam thành phố như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh là đang tự chặn đường thoát nước của mình.

TS Nguyễn Bách Phúc cảnh báo TPHCM sẽ tiếp tục bị ngập nặng hơn bởi triều cường. “Nhiều người lầm tưởng triều cường dâng cao là do nước biển dâng, bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Mực nước biển trong 30 năm qua chỉ dâng thêm khoảng 2 cm. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc HASCON, chúng ta đã xây đê bao ngăn nước mặn cho nhiều vùng rộng lớn ở quận 7, Cần Giờ, Nhà Bè - nơi người Pháp trước kia quy hoạch làm không gian chứa nước. 

TPHCM lấp gần hết các ao hồ, vùng trũng, đầm lầy chứa nước. Lượng nước dồn từ ngoài biển vào không đổi nhưng không gian chứa bị thu hẹp nên triều cường phải dâng cao” - ông Phúc nói.

Giải pháp nhỏ cho bài toán lớn

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM đang cùng các nhà khoa học Hà Lan thực hiện dự án “Giải pháp chống ngập ở TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050”. Các nhà khoa học đề xuất thay vì xây dựng một tuyến đê mới tốn cả tỷ USD, TPHCM có thể chọn tuyến đường vành đai 3 vừa làm đường giao thông, vừa làm ranh giới bảo vệ thành phố.

Theo TS Hồ Long Phi, đối với một đô thị đặc thù sông nước, TPHCM áp dụng các giải pháp công trình như xây đê bao, hồ điều tiết… là điều tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các công trình lớn chưa thể hoàn thành do thiếu vốn và thời gian thi công kéo dài, TPHCM có thể thực hiện những giải pháp nhỏ, dễ triển khai để giải quyết tình trạng ngập nước.

Theo đó, TPHCM tập trung xây dựng các công trình hỗ trợ cho hệ thống cống thoát nước hiện hữu, nghiên cứu tạm giữ lại nước trong trường hợp có mưa lớn bằng các công trình “chia tải” quy mô nhỏ với cống thoát nước ưu tiên. 

Đơn cử như vận động người dân, các doanh nghiệp xây thêm bể chứa nước mưa trong nhà hoặc trong công sở để sử dụng, góp phần chia tải cho hệ thống cống thoát nước, không những sẽ giúp giảm ngập mà còn giúp Thành phố tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho việc sản xuất và cung cấp nước sạch đến từng hộ dân.

Đối với những khu vực không thể xây dựng bể chứa nước mưa hay những khu vực công cộng lớn như công viên, sân trường, thậm chí ở một số tuyến đường, có thể bố trí dưới mặt đất những kết cấu rỗng có tính năng hút và giữ nước. 

Những kết cấu này đủ cứng để xe ô tô du lịch hay xe tải nhỏ có thể đi qua. Một phần nước mưa sẽ được giữ lại ở các kết cấu rỗng và khi hệ thống cống đã thoát được hết nước mưa (hoặc một phần), lượng nước trong phần kết cấu rỗng sẽ được cho thoát dần ra cống. Một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc đã áp dụng và rất thành công với giải pháp chống ngập này.

Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, TPHCM có thể tham khảo cách chống ngập bằng hệ thống G-Cans của thành phố Tokyo (Nhật). Nhật Bản  sử dụng hệ thống G-Cans để trữ nước mưa. Nước từ hệ thống G-Cans sẽ chảy về một hồ ngầm rất lớn và từ đó, nước sẽ được bơm ra biển.  

TS Hồ Long Phi cho rằng, theo quy luật, nước chảy về chỗ trũng. Vì vậy, cách tốt nhất là tìm cách thích ứng như một số nước (Hà Lan, Ý). Tại TPHCM có thể xây dựng các khu đô thị ngập nước tại Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức… Nếu làm tốt, các khu đô thị ngập nước sẽ trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN