Tôi đi làm nữ cửu vạn hàng lậu: Mưu sinh bên miệng tử thần

Nữ cửu vạn coi hàng lậu quan trọng hơn tính mạng. Trên đường vác hàng xảy ra nhiều cái chết kinh hoàng. Người tan xác vì giẫm phải mìn; người chết vì ngã trên đỉnh núi xuống; người gãy tay, chân thành tàn phế… Dù biết nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành “nhắm mắt đưa chân”.

Tan xác trên đường mòn

Kể về những tai nạn trên đường vác hàng, giới cửu vạn hàng lậu vượt biên sợ nhất gặp phải mìn dọc biên giới. Họ vẫn còn truyền tai nhau về cái chết thảm thương của anh Nguyễn Văn Quý (38 tuổi, Lạng Sơn) năm 2014. Vốn là thầy lang chuyên bốc thuốc Nam, nghe mọi người nói đi vác hàng vượt biên lương cao, vợ chồng anh Quý gửi lại 2 con cho ông bà nội, lên biên giới sung vào đội quân cửu vạn. Gần tết, lực lượng biên phòng tăng cường quân số, chặn hết các đường mòn lối tắt quen thuộc. Vợ chồng anh Quý liều mình trèo lên đỉnh cao nhất, khu vực có biển báo có mìn.

Tôi đi làm nữ cửu vạn hàng lậu: Mưu sinh bên miệng tử thần - 1

Vác hàng lậu ở biên giới từng đông như “trẩy hội”.

“Hôm đó trời mưa to cả ngày, 10h đêm, cả nhóm từ nhà trọ leo lên đồi. Các đường mòn đều bị chặn. Chúng tôi ngược lên núi. Biết là khu vực có mìn nhưng đành liều thôi. Vợ chồng anh Quý đi đầu. Bỗng nghe tiếng nổ bùm, mùi khét từ mìn cháy, biết là họ gặp nạn nhưng giữa đêm không dám đi tìm vì khu vực này nhiều mìn lắm. Khi trời sáng, chúng tôi lên tới nơi, anh chị nằm cạnh nhau, máu me be bét, thảm thương lắm. Chị vợ may mắn sống sót nhưng bị thương rất nặng”, nữ cửu vạn Trần Thị Lê - người chứng kiến vụ tai nạn, chưa hết bàng hoàng kể lại. 

Theo kinh nghiệm của giới nữ cửu vạn, ngày mưa gió, đất ẩm tuyệt đối tránh xa khu vực có mìn. Vì trời mưa, đất ẩm, trọng lượng người vác hàng lớn nén xuống mặt đất rất dễ làm mìn nổ. Ngoài ra, đi vào khu vực không có đường mòn sẽ ít bị bộ đội biên phòng bắt.

Thượng úy Đặng Thành Phương (Trạm biên phòng Cốc Nam, Đồn biên phòng Tân Thanh) cho biết: “Khu vực biên giới có rất nhiều mìn gài từ thời chiến tranh để lại. Chúng tôi chủ yếu rà phá mìn tại các đường mòn tuần tra, nơi đặt lán trại canh gác. Có việc gấp cần phải vào khu vực chưa rà mìn, chỉ dám đi trời nắng, dò theo lối mòn chuột chạy để tránh mìn. Nhiều cửu vạn liều lắm, bị chặn hết đường mòn là trèo lên khu vực có mìn trên đỉnh núi để không bị bắt”.

Theo nữ cửu vạn Lý Thị Lân (Văn Lãng, Lạng Sơn), đi vào khu vực có mìn, người đi sau cách người đi trước 1 đoạn, đề phòng giẫm phải mìn. Người đi sau phải nhìn kỹ, bước vào đúng bước chân của người đi trước, sơ sẩy là mất mạng. “Nhiều người giẫm phải mìn cụt tay chân. Có đợt đường mòn bị cấm hết, giá vác hàng lên tới 28.000 đồng/kg. Vì tiền nên mọi người liều thôi”, chị Lân nói.

Tôi đi làm nữ cửu vạn hàng lậu: Mưu sinh bên miệng tử thần - 2

Khu vực có mìn dọc biên giới khiến nhiều cửu vạn tan xác, bỏ mạng.

Ngoài chết vì mìn, vác hàng ban đêm đối mặt với nguy cơ trượt ngã rơi xuống vực, hay bị hàng lăn trúng người. Anh Lý Văn Cường (Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn) trong lúc lăn hàng xuống núi, đã lăn trúng phải chị H. nữ cửu vạn cùng xã, khiến chị này gãy xương hàm, chấn thương phải nằm viện điều trị. Cả nạn nhân và người gây tai nạn đều nghèo khó. Để có tiền trả viện phí cho chị H., anh Cường phải liều mình vác hàng cả ngày lẫn đêm, chọn những cung đường khó nhất tránh bị biên phòng bắt.

Đại diện Chi cục Hải quan Cốc Nam (Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết, việc cửu vạn vác hàng theo đường mòn bám trên các vách núi rồi gặp tai nạn rất nhiều. Cuối tháng 12/2015, trong khu vực kiểm soát của chi cục có 3 cửu vạn trượt chân rơi xuống núi, gãy chân.

Tôi đi làm nữ cửu vạn hàng lậu: Mưu sinh bên miệng tử thần - 3

Hàng rào sắt được biên phòng dựng lên để phòng chống cửu vạn vượt biên.

Vác hàng lậu từng như trẩy hội?

Để giải quyết tình trạng cửu vạn vác hàng vượt biên trái phép, bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng hải quan lập các lán trại, chốt chặn dọc biên giới, trên các đường mòn cửu vạn thường xuyên qua lại. Sáng ngày 29/12, chúng tôi theo chân lực lượng hải quan đến các chốt chặn trên đường mòn 386 (Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn). Dù trời mưa rét, cửu vạn mang theo đồ nghề, cặm cụi leo lên các đường mòn. Trên đỉnh núi dọc đường mòn số 5, các cửu vạn len qua khe núi, tán cây vác hàng lậu đi về hướng thị trấn Đồng Đăng.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam, hiện nay, tình trạng cư dân biên giới làm cửu vạn vượt biên đã giảm rất nhiều. Trước đây, dịp sát tết, người dân vác hàng lậu đông như trẩy hội. Dọc đường mòn, hải quan chốt chặn vị trí này, dân lại mở lối khác.

“Cửu vạn vác hàng theo đường mòn bám trên các vách núi rồi gặp tai nạn rất nhiều. Cuối tháng 12/2015, trong khu vực kiểm soát của chi cục có 3 cửu vạn trượt chân rơi xuống núi, gãy chân”.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam

“Cư dân dọc biên giới bị chủ hàng lậu lợi dụng vác hàng vượt biên. Chúng tôi chốt chặn dưới chân núi, người dân vác hàng len lỏi trên đỉnh núi. Nhìn thấy họ vác hàng lậu trên đỉnh đồi, núi nhưng không thể trèo đuổi theo vì quá nguy hiểm. Hơn nữa, toàn người dân đi vác thuê, chúng tôi ngăn chặn là chính, không thể giằng co với dân trên vách núi vì dễ gây tai nạn”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nguyễn Giang Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hữu Nghị (Lạng Sơn), việc chống hàng lậu hiện nay chỉ là các giải pháp tình thế. Chống buôn lậu như việc đắp đập ngăn nước, đắp chỗ này, nước tràn chỗ khác. Cửu vạn chủ yếu là phụ nữ, người già tranh thủ lúc rảnh rỗi, vác hàng kiếm thêm thu nhập. Khi bắt được hàng lậu phải tịch thu khẩn cấp, nếu không người dân xúm đến tranh cướp. Năm 2014, huy động lực lượng, cả biên phòng tỉnh lên vẫn không chịu được 3 ngày. Người dân chờ đợi khi cơ quan chức năng lơ là, lập tức vác hàng chạy.

“Tại đường mòn ở các khu vực Bãi Gianh, Quang Ngọc…(thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn), người dân không có việc làm đi vác hàng lậu kiếm sống. Họ nghèo khó quá nên phải làm vậy, dù có công cụ hỗ trợ cũng không nỡ sử dụng với người dân”, ông Nam nói.

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Lạng Sơn, để chấm dứt việc vác hàng lậu qua biên giới, cần có sự vào cuộc của tất cả cơ quan chức năng. Bộ đội biên phòng cấm người dân qua biên giới trái phép thì “hàng không thể có chân chạy về Việt Nam”. Để ngăn chặn người dân chở hàng lậu trên đường, vai trò của công an kinh tế, quản lý thị trường rất quan trọng. Loại bỏ hết các kho hàng lậu xen lẫn trong nhà dân, hàng lậu sẽ không dám tuồn về.

Ngoài ra, với chính sách cho phép cư dân biên giới sang Trung Quốc mua hàng hóa trị giá 2 triệu đồng/người/ngày, nhiều người dân bị giới buôn lậu lợi dụng, biến thành cửu vạn khuân vác hàng.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn), người dân trong xã đi vác hàng lậu do cuộc sống nghèo khó, không có việc làm ổn định. Khi xảy ra tai nạn, họ đưa xuống các cơ sở y tế nên chính quyền địa phương không biết. Thông tin về các vụ tai nạn chỉ truyền miệng nhau.

“Ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không đi vác hàng lậu, chúng tôi mở lớp dạy nghề nông nghiệp nhưng chưa hiệu quả. Có công ăn việc làm ổn định thì người dân mới bỏ nghề vác hàng lậu”, ông Hưng nói. 

Theo ông Hưng, trong khi người dân cần học nghề, tạo việc làm thì các lớp dạy nghề còn hình thức. Lớp học miễn phí dạy kỹ thuật sửa chữa máy móc nông nghiệp (máy cày bừa, gặt đập liên hoàn), nhưng người dân chủ yếu dùng sức kéo trâu bò. Cả xã Tân Mỹ có 3 chiếc máy cày, gặt đập.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Chủ tịch xã Tân Mỹ (Văn Lãng, Lạng Sơn) mong muốn có thêm khu công nghiệp, nhà máy tạo việc làm cho gần 7.000 người dân trong xã. “Chúng tôi tuyên truyền nhưng người dân không có việc làm thì phải đi vác hàng kiếm sống. Chúng tôi mong muốn nhà nước tạo điều kiện, mở thêm lớp dạy nghề, tạo việc làm, người dân mới từ bỏ nghề cửu vạn”, ông Hưng nói.


(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN