Tình huống tàu ngầm TQ suýt đắm dưới biển

Thủy thủ tàu ngầm 372 của Trung Quốc chỉ có 3 phút để đóng hơn 100 chiếc van và các thiết bị liên quan để cứu con tàu khỏi chôn xác dưới đáy biển sâu hàng ngàn mét.

Ngày 24/12, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một hội thảo đặc biệt để khen ngợi thủy thủ đoàn và rút kinh nghiệm vụ tàu ngầm số hiệu 372 của hải quân nước này suýt bị chìm nghỉm dưới đáy biển sâu hàng nghìn mét.

Các tài liệu được công bố tại hội thảo này đã cho thấy tàu ngầm 372 của Trung Quốc đã gặp phải một “tình huống rất nguy hiểm dưới nước” và chỉ thoát nạn sau khi thủy thủ đoàn tìm mọi cách để giải quyết các sự cố trong vòng 3 phút để cứu chiếc tàu ngầm.

Tình huống tàu ngầm TQ suýt đắm dưới biển - 1

Tàu ngầm 372 của Hải quân Trung Quốc neo đậu tại căn cứ ở đảo Hải Nam

Theo các tài liệu này, tàu ngầm 372 trong lúc đang hoạt động dưới biển bất ngờ gặp phải một vực sâu hàng ngàn mét dưới đáy biển, nơi điều kiện hải lưu vô cùng phức tạp, khiến chiếc tàu ngầm bị mất điều khiển và có nguy cơ bị chìm nhanh chóng.

Thuyền trưởng Wang Hongli cho biết: “Chúng tôi không thể kiểm soát được độ sâu của tàu ngầm, mặc dù tôi đã ra lệnh bơm khí vào khoang chứa nước dằn. Chiếc tàu ngầm chìm nhanh hàng chục mét xuống biển chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút”.

Thủy thủ trên chiếc tàu ngầm này đã nhanh chóng phản ứng, mở hết tất cả các buồng khí khẩn cấp trong vòng 10 giây để bơm khí vào khoang dằn. Họ cũng tìm cách đóng hơn 100 chiếc van và các thiết bị liên quan trong vòng chưa đầy 1 phút để đảm bảo tất cả các khoang trong tàu ngầm không bị tràn nước.

Thuyền trưởng Wang nói tiếp: “Việc tàu ngầm mất kiểm soát độ sâu tạm thời do sự thay đổi của tỷ trọng nước biển và dòng hải lưu ngầm là bình thường, nhưng trong những trường hợp đó chúng tôi có thể khắc phục bằng cách cân bằng lại tàu hoặc tăng tốc”.

Tình huống tàu ngầm TQ suýt đắm dưới biển - 2

Tàu ngầm 372 của Trung Quốc đã gặp phải tình huống rất nguy hiểm dưới đáy biển

Ông này nói tiếp: “Nhưng lần này, tàu ngầm đang ở rất sâu và chìm rất nhanh, nên nếu không hành động nhanh chóng, chúng tôi sẽ bị chôn vùi dưới đáy biển trong một thời gian ngắn”.

Một trong những đường ống trong khoang động cơ chính của tàu ngầm cũng bị vỡ do áp suất nước tăng cao, khiến nước biển tràn vào bên trong và động cơ chính không thể hoạt động tiếp, làm cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn.

Ông Ma Ze, sĩ quan tham mưu tại Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc cho biết: “Những ai từng ở trên tàu ngầm đều biết rằng có 3 tình huống nguy hiểm nhất đối với họ, đó là tình trạng chìm không kiểm soát do mất sức nổi, nước biển tràn vào và thiết bị bốc cháy. Tàu ngầm 372 đã trải qua 2 trong số 3 tình huống nguy hiểm nhất đó, khiến tính mạng thủy thủ đoàn bị đe dọa nghiêm trọng”.

Giáo sư Liu Guijie thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc cũng nhận định: “Đó là tình huống rất nguy hiểm, khi tỷ trọng nước biển giảm đột ngột, khiến lực nổi của tàu ngầm giảm theo, làm cho con tàu chìm thẳng xuống đáy”.

Trong khi đó, máy trưởng của tàu ngầm 372 là Chen Zujun cho biết lúc anh này đang trực trong khoang động cơ chính thì nghe thấy một tiếng động lớn, rồi nước biển bắt đầu tràn vào. Hơi nước mù mịt khiến tầm nhìn của họ giảm đi đáng kể.

Tình huống tàu ngầm TQ suýt đắm dưới biển - 3

Thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc diễn tập thoát hiểm qua lối thoát khẩn cấp

Chen đã lập tức ra lệnh cho các thủy thủ khác đóng cửa khoang động cơ để ngăn chặn nước biển thâm nhập sâu hơn vào tàu ngầm, đồng thời ngắt động cơ chính và các thiết bị điện bên trong, trong khi 2 cấp dưới tìm cách sửa đường ống bị vỡ.

Họ tự động làm những điều này mà không chờ đợi mệnh lệnh từ thuyền trưởng, bởi bên trong khoang máy rất ồn nên họ không thể nghe được những mệnh lệnh đó. Chen nói: “Chúng tôi được huấn luyện để nhanh chóng xử lý các sự cố rò rỉ, hỏa hoạn và các tình huống khẩn cấp khác, nên chúng tôi biết rõ mình cần phải làm gì”.

Sau khi lấy lại cân bằng và nổi lên mặt nước, chỉ huy tàu ngầm quyết định không báo cáo sự cố ngay với sở chỉ huy mà chờ đợi cho đến khi trở về căn cứ. Tàu ngầm này tiếp tục hoạt động bằng một động cơ điện trong khi động cơ chính được sửa chữa và trở về căn cứ an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN