Thủ tướng: Không lấy tiền thuế của dân để bù lỗ dự án

Sự kiện: Thời sự

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ không sử dụng tiền thuế của người dân đề bù vào các dự án thua lỗ lớn.

Thủ tướng: Không lấy tiền thuế của dân để bù lỗ dự án - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sáng 17.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Các đại biểu chất vấn Thủ tướng nhiều nội dung cử tri cả nước quan tâm về kỷ luật kỷ cương hành chính, xử lý vấn đề nợ công, quan điểm của Chính phủ về tương lai của Hiệp định TPP, xử lý 5 dự án thua lỗ, kịch bản đối ngoại của Chính phủ sau bầu cử Tổng thống Mỹ…

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đặt câu hỏi về giải pháp xử lý tình trạng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả: "Nhiều đại biểu, cử tri quan tâm tới  5 dự án thua lỗ lớn nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Ethanol Dung Quất, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái nguyên giai đoạn 2, nhà máy giấy Phương Nam tỉnh Long An và nhà máy Đạm Ninh Bình. Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của Thủ tướng xử lý các dự án kể trên?"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã có chỉ thị về vấn đề sử dụng tài sản công.

“Tôi công nhận rằng vấn đề sử dụng tài sản công đất đai, tài nguyên đến tài sản, xe cộ, phương tiện làm việc... còn rất nhiều lãng phí. Trước hết chúng tôi nghĩ rằng phải có một số giải pháp, ví dụ hệ thống tiêu chuẩn định mức khoán kinh phí, khoán xe công phải được công bố công khai minh bạch để mọi người dân đều được biết. Đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí tài sản công, người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước cấp trên”, Thủ tướng nói.

Trả lời về 5 dự án thua lỗ lớn, Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ cho dự án. Việc xử lý sẽ được xem xét, giải quyết trong thời gian tới một cách hiệu quả. Nếu không sử dụng được có thể bán khoán cho thuê, thậm chí cần thiết có thể phá sản. Không để các dự án thua lỗ là gánh nặng của nền kinh tế, sử dụng tiếp ngân sách để đổ vào những dự án thua lỗ này”.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho biết, đối với từng dự án chính phủ sẽ xem xét hết sức cụ thể để sử dụng những tài sản đó một cách tốt nhất, phù hợp.

Về phẩm chất, trí tuệ của các thành viên Chính phủ mà đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi, Thủ tướng nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng cùng chung một bàn tay, cùng hướng về lợi ích của dân.

Trong 27 thành viên Chính phủ có rất nhiều đồng chí xuất sắc, có nhiều đồng chí mới nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. Cùng quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính và kiến tạo, và hơn ai hết các thành viên Chính phủ phải thể hiện tinh thần đó. Tôi tin các thành viên Chính phủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó”.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đặt câu hỏi quan điểm của Thủ tướng về việc Tổng thống mới đắc cử của Mỹ không ủng hộ Hiệp định kinh tế châu Á Thái Bình Dương (TPP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định TPP có 12 nước tham gia, Việt Nam đã sẵn sàng trình với Quốc hội. "Hiện nay Mỹ đã tuyên bố dừng và không trình quốc hội hiệp định này. Tuy nhiên, việc chúng ta có tham gia hay không tham gia TPP không ảnh hưởng đến việc hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới", Thủ tướng đánh giá.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đặt câu hỏi làm thế nào để nền kinh tế bảo đảm độc lập tự chủ trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay?

Thủ tướng nhận định nền kinh tế Việt Nam có quy mô GDP chưa đến 200 tỉ USD, quy mô như vậy còn khá nhỏ, nợ công tỷ trọng lại cao.

Chỉ tiêu phát triển GDP 6,7% trong giai đoạn tới là khó nhưng Chính phủ sẽ quyết tâm, đề ra nhiều biện pháp từ đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công. Tạo môi trường tốt hơn nữa để người dân hăng hái lao động tạo thêm nguồn lực.

Về sự tự chủ độc lập của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết hội nhập sâu rộng nhưng phải luôn độc lập tự chủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN