Thú chơi xe đạp ở Đà thành

Ngày nay, khi các phương tiện đi lại như xe máy, ô-tô ngày một bão hòa và phổ biến thì người dân trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu quay trở lại chọn xe đạp làm phương tiện đi lại.

Ngày nay, khi các phương tiện đi lại như xe máy, ô-tô ngày một bão hòa và phổ biến thì người dân trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu quay trở lại chọn xe đạp làm phương tiện đi lại. Lựa chọn này không chỉ đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm nhiên liệu trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều biến động, góp phần bảo vệ môi trường sống, mà còn được xem là thú chơi tao nhã...

Lịch sử lâu dài...

Nói về phong trào chơi xe đạp, có lẽ Đà Nẵng là một trong những trung tâm chơi xe sớm trên cả nước. Bởi ngay từ sau ngày đất nước được giải phóng (1975), phong trào chơi xe đạp đã được hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Anh Nguyễn Chương, Phó Chủ nhiệm CLB xe đạp TP, cho biết: "Ngay từ năm 1976, CLB xe đạp Đà Nẵng đã được thành lập với hơn 25 thành viên và nhanh chóng tham gia Giải đua xe đạp chuyên nghiệp toàn quốc. Liên tiếp những năm về sau, CLB xe đạp Đà Nẵng luôn được xếp ở Top 10 cả nước. Đến năm 1986, CLB xe đạp Đà Nẵng lần đầu tiên đăng cai tổ chức Giải vô địch đua xe đạp toàn quốc, qua đó, CLB xe đạp Đà Nẵng đã phát hiện VĐV tài năng A Phún, sau đó trở thành VĐV xe đạp đầu tiên của Đà Nẵng là VĐV quốc gia, dự các giải quốc tế. Về sau, Đà Nẵng còn đóng góp nhiều khuôn mặt cho làng xe đạp Việt Nam, nổi bật trong đó phải kể đến Mai Công Hiếu (về sau đầu quân cho Đồng Tháp) với thành tích 2 HCV SEA Games, 13 lần liên tiếp vô địch quốc gia nội dung cá nhân tính giờ.

"Làn sóng mới"...

Trải qua bao thăng trầm của phong trào chơi xe đạp, anh Chương cho biết; Trong khoảng 4 năm gần đây, phong trào chơi xe đạp ở Đà Nẵng đã có sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Từ con số 25 thành viên khiêm tốn ban đầu, đến nay, CLB đã có trên 200 thành viên, trong đó thành viên nữ chiếm khoảng 20% (40 người). Thành phần tham gia CLB cũng rất đa dạng trong xã hội, như: Kỹ sư, bác sỹ, cán bộ công nhân viên chức cho đến dân thường. Để tiện bề sinh hoạt, CLB chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 20 người và cứ hàng tuần, vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, mỗi nhóm sẽ tự tổ chức đoàn đi dã ngoại bằng xe đạp ở những cung đường rất đẹp của thành phố như: Đà Nẵng- Bà Nà, Đà Nẵng- Bãi Bụt... Hằng năm, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ vài lần, qua đó vừa tổ chức đi dã ngoại bằng xe đạp, vừa tham gia các hoạt động xã hội nhiều ý nghĩa như công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn... như một trách nhiệm với cộng đồng.

Thú chơi xe đạp ở Đà thành - 1

Anh Tín giới thiệu xe đạp địa hình tại cửa hàng

Theo anh Nguyễn Trọng Tín, chủ cửa hàng xe đạp Trung Tín ở 51- Trần Kế Xương, gia đình anh kinh doanh buôn bán xe đạp đã hơn 20 năm. Khác với trước kia, khi cửa hàng anh chỉ chuyên bán xe đạp cho đối tượng học sinh, sinh viên thì mấy năm gần đây, nhu cầu của người dân trên thành phố có sự thay đổi khi số lượng khách mua xe đạp địa hình, xe đua có chiều hướng tăng cao, đa phần là giới cán bộ, công chức... Xe đạp hiện có đủ các loại giá, từ 3 triệu cho đến 150 triệu đồng/1 chiếc. Trung bình một tháng, cửa hàng anh bán ra khoảng 30 chiếc, chủ yếu là xe đạp đua và xe địa hình, còn những tháng cao điểm như tháng 2,3 có khi cửa hàng bán lên đến 40, 50 chiếc/ tháng. Mặt hàng xe đạp hiện cũng đủ thương hiệu trong và ngoài nước, có những dòng xe đạp nhập khẩu cao cấp (khung làm bằng chất liệu carbon) giá từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn USD/chiếc (khoảng từ 30 triệu đến vài trăm triệu) tùy theo thương hiệu. Mà muốn có những dòng xe đó khách hàng cũng phải đặt trước cả tháng trời mới có. Đắt là vậy nhưng dân chơi xe đạp ở Đà Nẵng không thiếu những người chi ra rất nhiều tiền để sở hữu nó về sử dụng.

Thú chơi xe đạp ở Đà thành - 2

Anh Cư bên 4 chiếc xe đạp "khủng" trị giá hơn 600 triệu đồng và tủ đựng các vật dụng liên quan

Ở Đà thành, khi nhắc về những tay chơi xe đạp đình đám, chắc không ai lại không biết về tay chơi xe đạp "khủng" nhất là anh Nguyễn Phước Cư (trú tại 194-Hùng Vương), hiện là Phó Chủ nhiệm CLB xe đạp Đà Nẵng. Không quá khi nói rằng bộ sưu tập xe đạp và những vật dụng liên quan của anh có giá bằng cả gia tài của người bình thường. Tổng cộng anh sắm hơn 10 chiếc xe đạp "khủng", sau khi để lại cho bạn chơi xe ở các tỉnh thành khác, anh hiện còn giữ 4 chiếc, chiếc đắt nhất được anh mua tại Mỹ vào năm 2008 hiệu Specialized, hiện giá ở Việt Nam khoảng 200 triệu đồng/chiếc, chiếc thấp nhất có giá 100 triệu đồng, chỉ riêng 4 chiếc cũng đã ngốn của anh hơn 600 triệu đồng. Đó còn chưa kể tủ quần áo, giày, kính... dành riêng cho xe đạp đua, một bộ (đôi) có giá cũng trên 5 triệu đồng, trong khi anh sở hữu hàng chục món đồ đó. Nói về thú chơi xe đạp, anh tâm sự: "Ban đầu, anh chơi xe như một sự tình cờ. Nhưng khi đã tham gia chơi xe đạp thì nó đam mê không thể nào bỏ được. Cứ thế, từ hơn 10 năm nay, ngoài việc kinh doanh, những lúc rảnh rỗi, anh sử dụng xe đạp đi đây đó, tập thể dục lúc sáng chiều và tổ chức đi dã ngoại cuối tuần với các thành viên CLB xe đạp. Cũng theo anh Cư, nếu mọi chuyện suôn sẻ, tháng 5-2013 anh sẽ dấn thân thêm một bước sâu hơn nữa với "mối tình xe đạp" bằng cách đi Pháp liên hệ với các hãng xe đạp danh tiếng tại đây để làm đại lý xe đạp chính hãng của Pháp đặt tại Đà Nẵng nhằm phục vụ người chơi trên thành phố cũng như các tỉnh thành lân cận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lịch (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN