Thêm 5 người ngộ độc nấm nguy kịch

Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận thêm 5 người trong cùng một gia đình ở Tuyên Quang.

Theo PGS.TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cả 5 bệnh nhân này nhập viện ngày 16/3, bệnh nhân trong cùng một gia đình ở Tuyên Quang.

Theo BS Duệ, cả 5 bệnh nhân đều ăn phải loại nấm tán trắng, thịt mềm, mùi thơm, rất ngọt, gần giống nấm thường nhưng độc tính cao, tác dụng chậm. Bệnh nhân ăn sau 58 giờ mới được đưa đến viện nên tình trạng bệnh rất nặng, suy gan, tiên lượng bệnh rất xấu.

Trong số các bệnh nhân nhập viện trước đó, có 4 bệnh nhân đang hôn mê, 2 bệnh nhân tiền hôn mê, suy gan, nguy cơ tử vong rất cao. Còn lại, những bệnh nhân khác trong tình trạng suy gan nặng và có nguy cơ tử vong cao.

Thêm 5 người ngộ độc nấm nguy kịch - 1

Bệnh nhân ngộ độc nấm đang điều trị tại Trung tâm Chống độc

Trước đó, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 10 bệnh nhân ngộ độc nấm từ Thái Nguyên chuyển xuống. Nhóm nạn nhân nhập viện được xác định bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Các triệu chứng đều giống nhau như: nôn mửa, tiêu chảy, các xét nghiệm cho thấy bắt đầu có sự phá hủy gan. Tuy  nhiên, ngày 13/3 đã có một bé trai tử vong.

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) đã huy động mọi nguồn lực (huy động mượn thêm 3 máy lọc huyết tương…), đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, chi phí điều trị cũng đã lên tới 1,6 tỷ đồng nhưng khả năng tử vong của các bệnh nhân vẫn rất cao.

TS Phạm Duệ cho biết, người dân ăn nhiều, nấm độc đã thấm sâu, đến cấp cứu muộn, cách xử trí ban đầu chưa nhanh, chưa chính xác.  Loại nấm mà các bệnh nhân ăn phải không thể nhận biết bằng mắt thường với nấm ăn được.

Thêm 5 người ngộ độc nấm nguy kịch - 2

Nấm độc các bệnh nhân ăn phải. (Ảnh: BV cung cấp)

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATTP cho biết, thời gian cuối mùa xuân chuyển sang hè, (từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm) được coi là mùa phát triển của các loại nấm, nhất là nấm hoang dại, mọc nhiều ở khu vực phía Tây Bắc nước ta. Vì vậy, nguy cơ người dân ăn phải nấm độc rất cao.

Ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo người dân, tuyệt đối không xử dụng nấm khi chưa rõ nguồn gốc, không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại (kể cả nấm màu trắng), nấm có đủ các phần của thể quả. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết vẫn có thể gây ngộ độc đối với người. Dự báo, sẽ còn tiếp tục các ca ngộ độc nấm bởi miền núi phía Bắc đang là mùa mưa, nấm hoang trong rừng mọc rất nhiều và tập quán hái nấm rừng.

Thêm 5 người ngộ độc nấm nguy kịch - 3

Hình ảnh phân biệt nấm ăn được và nấm không ăn được.

Nếu đã sử dụng nấm mà xảy ra các triệu chứng ngộ độc, phải gây nôn rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời như: rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn nấm rừng, nấm hoang dại, nấm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Cách tốt nhất là người dân nên tự trồng nấm ăn, vừa bảo đảm an toàn, ngon, rẻ, giá trị dinh dưỡng cao và chi phí ban đầu lại thấp.

Đặc biệt cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến khi có triệu chứng ngộ độc: nếu dưới 6 tiếng thì có thể điều trị ở trung tâm y tế xã, huyện vì ngộ độc không cao; nhưng nếu trên 6 tiếng thì phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu. Đồng thời đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng và mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới các cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN