Thầy lang dỏm chữa bá bệnh xương khớp bằng bó thuốc

Khám chữa bệnh không phép, không chứng chỉ hành nghề, bất cứ bệnh hoặc chấn thương nào về xương khớp, “thầy” cũng chỉ… bó thuốc gia truyền và không quên đòi bệnh nhân phải chụp X-quang.

Trung bình mỗi ngày, có đến hàng trăm bệnh nhân kéo đến “phòng khám” của ông Trần Coóc Lâm (thường gọi “thầy” Lâm) trên đường Đỗ Ngọc Thạnh, P.4, Q.11, TP.HCM để được “thầy” chữa bong gân, nhức mỏi, thoái hóa cột sống, thậm chí cả các ca gãy xương đùi, xẹp, nứt đốt sống… bằng cách xoa, bó thuốc.

Chụp phim rồi mới khám

Tại “phòng khám” không bảng hiệu của “thầy Lâm", bệnh nhân đến khám lần đầu đều bị yêu cầu phải qua số 93 Tân Khai ở gần đó chụp X-quang để “thầy” chẩn đoán (?). Một lần chụp X-quang tại đây có giá từ 135.000 đến 150.000 đồng.

Một bệnh nhân tên N.S cho biết, sau khi xem phim chụp cổ chân bị bể xương, vỡ mắt cá cách đây 4 năm của anh, “thầy” ở đây tỏ ra tiếc cho anh vì đã không được gặp ông sớm. Nếu mới bị thì “thầy” có thể bó thuốc gia truyền của mình cho anh có thể… đá banh được. Tuy nhiên, “thầy” vẫn còn cách bó “thuốc canxi” cho xương chắc là có thể đi được bình thường.

“Thầy” chỉ định anh S. mua 5 thang thuốc về bó với giá 1,8 triệu đồng. Một thang thuốc được dùng bó chân 2 lần vào buổi sáng, chiều trong vòng 4 ngày. Mỗi lần bó phải để thuốc ngấm trong một giờ. Sau khi bó hết 3 thang trong 12 ngày, thì ngưng 1 tháng rồi mới tiếp tục dùng 2 thang còn lại là hoàn tất một liệu trình.

Các bệnh đau lưng, cổ, vai, gãy nứt xương, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… đều được “thầy” khám, xem phim và bó thuốc theo liệu trình trên. Bệnh nhân có thể để nhân viên “phòng khám” bó tại chỗ hoặc mang thuốc về nhà tự bó.

Thầy lang dỏm chữa bá bệnh xương khớp bằng bó thuốc - 1

Nhân viên của “thầy” Lâm đang bó thuốc cho bệnh nhân - Ảnh: Đ.Anh

Theo bệnh nhân, “phòng khám” chỉ có 3 loại thuốc để chữa bá bệnh cơ xương khớp, gồm thuốc rượu màu đen dùng bôi ngoài da (giá 35.000 đồng/chai), thuốc đắp giống mùn cưa màu vàng đóng trong túi nhựa và thuốc thang gói trong giấy báo. Tất cả đều không có nhãn mác, tên, thành phần thuốc.

Theo “quảng cáo” của các “thầy”, đã từng chữa dứt điểm ca đau lưng kéo dài 20 năm. Có trường hợp ngồi xe lăn đã đi lại được sau khi bó thuốc tại đây hoặc có người xương gãy làm ba khúc mà các “thầy” vẫn có thể chữa cho bình thường trở lại. Phần lớn bệnh nhân đều biết về “thầy” Lâm qua lời đồn rồi tìm đến bó thuốc. Có người hết đau nhưng cũng có người chẳng cải thiện được gì.

Cả 4 cơ sở của thầy đều không phép

Ngày 12/11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Phòng Y tế Q.11 đã kiểm tra 4 cơ sở nói trên và đều do “thầy Lâm" làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện “thầy Lâm" và Trần Gia Nguyên (con trai ông) đang khám bệnh, đắp thuốc cho hàng chục bệnh nhân. Cả hai “thầy” đều không có chứng chỉ lương y, chứng chỉ chẩn đoán hình ảnh và phòng khám, phòng X-quang đều hoạt động không có giấy phép.

Đoàn còn phát hiện tại phòng chụp X-quang có 1 kỹ thuật viên, 1 nhân viên tiếp nhận, thu tiền, 1 máy X-quang, 1 máy rửa phim X-quang và nhiều phim X-quang. Đáng lo ngại là phòng X-quang này không có chứng nhận về an toàn môi trường bức xạ theo quy định.

Thanh tra sở Y tế đã yêu cầu ông Lâm ngay lập tức phải ngưng mọi hoạt động tại các phòng khám và phòng chụp X-quang. Phòng khám không được tiếp bệnh nhân, trưng biển báo nghỉ hoạt động để người dân được biết. Thanh tra sở cũng đã bàn giao lại việc quản lý, theo dõi việc chấp hành ngừng hoạt động cho chính quyền địa phương. Đồng thời, niêm phong các gói thuốc để kiểm định và xử lý, tiêu hủy.

Ngày 14/11, Thanh tra Sở Y tế cho biết đã thống nhất hướng xử lý các vi phạm, buộc ông Lâm phải dừng ngay các hoạt động khám chữa bệnh, chụp X-quang trái phép tại các địa điểm trên. Đồng thời, thanh tra đề xuất mức phạt khoảng 35 triệu đồng cho các hành vi khám chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh không phép.

Thầy lang dỏm chữa bá bệnh xương khớp bằng bó thuốc - 2

Các bệnh nhân đang bó thuốc tại “phòng khám” của “thầy” Lâm - Ảnh: Đ.Anh

Thầy lang là… y công bệnh viện

Trong quá trình bị kiểm tra, “thầy” Lâm tỏ ra tự tin cho rằng phương pháp bó thuốc của mình là phương pháp chữa trị trật đả đang được áp dụng tại Bệnh viện Quận 11. Con trai ông còn khẳng định các loại thuốc đang được dùng cho bệnh nhân tại đây cũng được mang vào chữa cho bệnh nhân trong bệnh viện.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Thanh Hiền - Trưởng khoa Y học dân tộc - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Quận 11 - xác nhận ông Lâm là y công giúp việc cho bác sĩ điều trị tại khoa.

Theo bác sĩ Hiền, nhận thấy phương pháp trật đả cũng có hiệu quả trong một số trường hợp rạn nứt xương. Hơn nữa, ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân không phải uống thuốc. Do đó rất phù hợp cho người có bệnh lý đau lưng, cổ, vai mãn tính tránh được việc phải uống thuốc tây quá nhiều, ảnh hưởng đến gan, thận và các tác dụng phụ khác. Cuối năm 2011, Sở Y tế thành phố đã cho phép bệnh viện đưa phương pháp trật đả vào áp dụng điều trị tại khoa.

Với nghề thuốc gia truyền được đánh giá có danh tiếng, ông Lâm được chọn vào làm công tác tham vấn cho bác sĩ của khoa dưới danh nghĩa y công để điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp trật đả. Bệnh viện cũng muốn học hỏi, kế thừa phương thuốc gia truyền của ông nên cho phép dùng thuốc theo công thức bào chế gia truyền do ông đưa ra với các vị thuốc đông y có trong danh mục được phép sử dụng.

Bác sĩ Hiền khẳng định khi tiếp nhận bệnh, chỉ có bác sĩ của khoa khám, sàng lọc và chỉ định bệnh nhân nào có thể áp dụng phương pháp trật đả theo bài thuốc của ông Lâm. Ông Lâm chỉ tham vấn cho bác sĩ về liều lượng thang thuốc cho người bệnh. Những trường hợp nặng, vượt quá khả năng, đều phải chuyển qua điều trị theo phương pháp tây y.

Trong năm 2012, khoa Y học dân tộc - Vật lý trị liệu đã tiếp nhận khoảng 5.000 lượt bệnh nhân điều trị trật đả. Hiện mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này. Theo đánh giá ban đầu của khoa, tỷ lệ thành công là 60 - 70% đối với bệnh nhân điều trị trật đả theo bài thuốc của ông Lâm.

Về câu hỏi tại sao là nhân viên có hợp đồng lao động của bệnh viện, mà ông Lâm vẫn có thể hoạt động chui tại nhà hằng ngày? Bác sĩ Nguyễn Duy Hùng - Giám đốc Bệnh viện Quận 11 - cho biết, do ông Lâm mới bị tai biến, nên bệnh viện thông cảm cho ông có thời gian nghỉ ngơi nhiều và chỉ vào bệnh viện mỗi đầu giờ sáng hoặc khi có yêu cầu của khoa. Việc ông về nhà làm gì thì bệnh viện không biết.

“Chúng tôi sẽ chấn chỉnh và đề nghị ông Lâm không còn được quá lời, thổi phồng khi nói về hiệu quả của phương pháp trật đả và bài thuốc của ông nữa. Tương tự, nếu còn làm việc với chúng tôi, ông cũng không được dùng danh nghĩa của bệnh viện để nói với bệnh nhân và đoàn kiểm tra như vừa qua”, ông Hùng nói.

Sai phạm kéo dài

Bà Trần Thu Hương - Trưởng Phòng Y tế Q.11, TPHCM - cho biết, ông Lâm đã hoạt động khám chữa bệnh bằng phương pháp trật đả trái phép từ năm 2005 đến nay. “Đã có không dưới 6 lần chúng tôi đã kiểm tra và đều phát hiện sai phạm không phép, yêu cầu ông ngừng hoạt động. Nhưng sau khi Sở Y tế ra quyết định xử phạt thì ông Lâm tiếp tục hoạt động”, bà Hương nói.

Bà cho rằng việc ông có hoạt động chụp, đọc phim X-quang là hoàn toàn sai vì ông không có chứng chỉ chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh. Vào tháng tháng 5/2012, phòng y tế quận đã bắt ông Lâm đóng cửa phòng chụp X-quang tại số 4 Tân Khai (P.4, Q.11) và phạt 15 triệu đồng. Vừa qua, khi Thanh tra Sở Y tế phối hợp với phòng kiểm tra thì mới phát hiện ông dời phòng X-quang này qua nhà số 93 Tân Khai. “Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý triệt để hoạt động khám chữa bệnh trái phép của ông Lâm vì gần đây cho thấy ông ngày càng hoạt động mạnh hơn, mở nhiều địa điểm hơn”, bà Hương khẳng định.

Do là địa bàn có nhiều người Hoa sinh sống, Quận 11 có đến 45 cơ sở y học cổ truyền với 7 lương y điều trị trật đả. Qua kiểm tra, trên địa bàn hiện có 32/404 cơ sơ y tế tư nhân còn thiếu hoặc chưa có giấy phép hoạt động. Vì vậy, phòng y tế sẽ nghiêm túc kiểm tra, xử lý triệt để nhằm chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế trên địa bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN