Tàu ngầm tự chế không được cấp phép thử ngoài biển

UBND tỉnh Thái Bình không đồng ý cấp phép cho tàu ngầm tự chế Trường Sa thử nghiệm ở ngoài biển Diêm Điền.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, chủ nhân của tàu ngầm tự chế Trường Sa cho biết, trước đó ông và các cộng sự có làm hồ sơ gửi lên UBND tỉnh Thái Bình đề nghị cho thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa tại khu vực biển ngoài phao số 0 Cảng Diêm Điền, cách bờ khoảng 12 km. Tuy nhiên UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản trả lời không đồng ý cấp phép cho tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm ở ngoài biển.

Theo lời ông Hòa, trong văn bản có nêu, UBND tỉnh hoan nghênh tinh thần đam mê tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, đặc biệt trong việc tự chế và thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa của ông.

“Tuy nhiên, họ nói nguyên nhân không cấp phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa ở ngoài biển là do công ty chưa tính toán và khảo sát hết các thông tin về điều kiện địa lý, thủy văn. Đặc biệt, tỉnh không đủ khả năng, để mà đảm bảo an toàn, cứu hộ cho tôi khi thử nghiệm tàu ngầm nên họ chuyển hồ sơ của tôi lên Bộ Quốc Phòng”, ông Hòa kể.

Ông Hòa cho biết thêm, trước đó trong hồ sơ gửi lên tỉnh xin cấp phép thử nghiệm tàu ngầm ông có viết bản tường trình rất chi tiết về con tàu ngầm, quá trình thử nghiệm, các lần thử nghiệm thành công ở trong bể thử nghiệm, ở ngoài hồ…

“Dù hiện tại, tàu ngầm Trường Sa không được cấp phép thử nghiệm nhưng tôi vẫn vui. Tôi  đang lên kế hoạch tiếp theo và vẫn nung nấu ý tưởng một ngày gần nhất tàu ngầm được cấp phép và đưa ra biển thử nghiệm”, ông Hòa chia sẻ.

Tàu ngầm tự chế không được cấp phép thử ngoài biển - 1

Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm thành công ở hồ ngày 28/3 vừa qua. Ảnh Đức Nguyễn

Đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa 56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã tự chế tàu ngầm mang tên Trường Sa. Theo thiết kế, tàu có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp

Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập). Công nghệ AIP tức là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết.

Sau nhiều lần thử nghiệm khả năng lặn thành công tại bể thử nghiệm, ngày 28/3, ông Hòa đã đưa tàu ngầm Trường Sa ra hồ rộng 3ha ở khu công nghiệp Vĩnh Trà (cách xưởng cơ khí của ông Hòa 3km) để thử nghiệm. Ông Hòa đã thử nghiệm bánh lái, chân vịt, hệ thống điện tử ở trong con tàu. Ông Hòa đã cho tàu ngầm chạy quanh hồ hơn 2h đồng trước sự hò reo, vui mừng của hàng trăm người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Trường Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN