Tăng lương tối thiểu vùng 250.000 - 400.000 đồng/tháng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1.1.2016. Theo đó vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Tăng lương tối thiểu vùng 250.000 - 400.000 đồng/tháng - 1

Lương tối thiểu vùng tăng 250.000 - 400.000 đồng/tháng từ 1.1.2016 (ảnh minh họa)

Theo đó, từ ngày 1.1.2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.

Cụ thể, mức lương tối thiểu các vùng như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000 - 400.000 đồng/tháng.

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...

Theo Nghị định, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Nghị định số 122 trên đây thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP ngày 11.11.2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN