Tăng lương liệu có tăng năng suất lao động?

Chuyên gia lao động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng, tăng tiền lương tối thiểu khiến cho người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tính toán rằng, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore và ở mức bét bảng so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đó Chính phủ vừa quyết định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/1/2015.

Tăng lương liệu có tăng năng suất lao động? - 1

Liệu năng suất lao động của Việt Nam có tăng khi mức lương được nâng cao? (Ảnh minh họa)

Mối quan hệ giữa tăng lương và tăng năng suất lao động là vấn đề chính được thảo luận Trong phiên đầu tiên của hội thảo “Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập”, tổ chức hai ngày 25 - 26/11 tại Hà Nội.

Lương tăng, năng suất lao động sẽ tăng

Bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nói: “Nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động của chúng tôi cho thấy, tăng tiền lương tối thiểu khiến cho người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn…”

Theo bà Sandra Polaski, tiền lương có ảnh hưởng lớn đến chi phí điều hành của một doanh nghiệp. Mức lương tăng nghĩa là họ không thể ngủ quên trên thành quả nếu họ muốn duy trì khả năng cạnh tranh. 

“Chúng tôi khảo sát những người sử dụng lao động ở khu vực ASEAN về chiến lược của họ để tăng sức cạnh tranh, đại đa số lựa chọn giải pháp đầu tư để tăng cường kỹ năng cho người lao động và áp dụng công nghệ mới, tăng năng suất lao động. Rất ít người cho rằng giảm lương là một cách làm khả thi”, Phó tổng giám đốc ILO nói.

Bà Sandra Polaski cũng chỉ ra việc tăng trưởng năng suất lao động thường bị hiểu nhầm. Suy nghĩ đơn giản là năng suất lao động phản ánh một người làm việc chăm chỉ như thế nào là không đúng. 

Ví dụ, rất nhiều nông dân làm việc chăm chỉ hơn nhiều so với những người có năng suất lao động cao hơn. Nhưng họ có năng suất lao động thấp là bởi họ không có các công cụ, trang thiết bị, đầu vào hay kỹ thuật để năng suất cao hơn. 

Trong khi đó, ông Malte Lueber, chuyên gia cấp cao tiền lương của ILO lại cho rằng, lý thuyết lương tăng khi năng suất lao động tăng đôi khi vẫn bị phá vỡ.  

Chuyên gia này dẫn chứng ngành công nghiệp chế biến của Thái Lan đã chứng kiến tăng trưởng ấn tượng nhưng tiền lương thực tế đã không tăng trong giai đoạn suốt từ năm 2001 đến 2011.

“Xu thế cạnh tranh của các nước ASEAN là dựa trên năng suất lao động, không phải bằng lương thấp, giá nhân công rẻ”,  ông Malte Lueber khẳng định

Lương tối thiểu không nên là mức lương chính

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH, chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết:  “Người sử dụng lao động nắm rõ mức lương tối thiểu chỉ là một cơ sở để trả lương nhưng họ đang cố tình lợi dụng điều này để tra lương người lao động bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với lương tối thiểu” .

Theo Thứ trưởng Huân, đây là sàn thấp nhất, nhà nước không ấn định sàn này để bắt doanh nghiệp trả lương. “Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận với nhau để có một mức lương phù hợp”.

Ông Huân cho rằng không nên tăng lương tối thiểu quá cao, điều này sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Ông John Ritchotte chuyên gia về quan hệ lao động, ILO Bangkok cho hay theo nghiên cứu của tổ chức này, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam  đều quá phụ thuộc và mức lương tối thiểu được ấn định. Khi lương tối thiểu tăng lên, tất cả công nhân, không phân biệt nghề nghiệp, kỹ năng, năng suất hay tính chất của ngành công nghiệp, kinh nghiệm đều được tăng lương.

“Đối với nhà tuyển dụng, liên kết tất cả tiền lương của người lao động với mức lương tối thiểu cuối cùng, có thể tạo cho doanh nghiệp khó khăn. Lý do rõ ràng khi tăng lương tối thiểu, tất cả tiền lương của lao động đều tăng. Các xu hướng tự nhiên là sẽ cố gắng để ngăn chặn sự tăng trưởng của mức lương tối thiểu càng nhiều càng tốt, bởi vì nó tác động lớn đến tổng chi phí tiền lương. Cách duy nhất để trách điều này một cách bền vững và công bằng là tham gia vào thương lượng về mực tiền lương không gắn với mức lương tối thiểu, mà dựa trên hiệu suất của doanh nghiệp và người lao động”, ông John Ritchotte nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN