Tại sao thường có múa lân vào dịp Tết?

Múa lân đã trở thành một tiết mục biểu diễn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về. Hiện, trên thế giới cũng đã có nhiều cuộc thi múa lân để các đoàn lân thi nhau trổ tài, học hỏi kinh nghiệm và thoả sức thể hiện niềm đam mê.

Lân trong truyền thuyết là gì?

Để hiểu rõ hơn về lân và nghề múa lân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu Hiền - Đoàn nghệ thuật Lân Sư Rồng Phước Duyên Đường (TP.HCM), đang quản lý một đội hơn 70 người có cùng đam mê về lân.

Theo ông Hiền, truyền thuyết dân gian gọi lân là một con vật linh thiêng, thuộc một trong bốn dạng tứ linh “lân, long, quy, phụng”. Từ rất xưa, các lão tiền bối Trung Quốc đã làm ra một đoàn lân để mô tả từng động tác, sao cho người ta nhìn vô giống như một con vật linh thiêng.

Tại sao thường có múa lân vào dịp Tết? - 1

Anh Hiền đang chuẩn bị cho cặp lân sang Singapore thi đấu.

Múa lân là gọi tắt của múa lân - sư - rồng, có nguồn gốc từ phía Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cách đây hơn nghìn năm. Theo quan niệm của người Trung Quốc, lân - sư - rồng là 3 con vật thần thoại tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và may mắn.

Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả 3 thể loại với nhau, nên có rất nhiều tiết mục biễu diễn phát sinh ra từ đây. Vì lẽ đó, những điệu múa lân - sư - rồng thường xuyên được trình diễn trong ngày Tết, những lễ hội lớn, hay những lễ khởi công, khai trương các công trình.

“Ở Trung Quốc, họ còn gọi lân là nam sư, tức một con vật vượt núi hái lộc, vượt sông hái linh chi. Đó là những gì dễ hiểu nhất về lân trong truyền thuyết của người Trung Quốc, được lan truyền từ đời này sang đời khác”, ông Hiền chia sẻ.

Tại sao thường có múa lân vào dịp Tết? - 2

Múa lân cũng đã trở thành một văn hoá tại Việt Nam vào mỗi dịp lễ, Tết.

Ông Hiền cho biết thêm, ngày xưa, người ta có phân biệt lân theo màu trắng, đen, bạc,… Tuy nhiên, giờ đây, màu sắc của lân không còn quan trọng nữa. Vấn đề là người múa lân phải biểu diễn làm sao để con lân có hồn, giống như một con vật đang kiếm mồi.

“Đó là một nghệ thuật rất cao. Nói về lân thì sáng tạo không có điểm dừng”, ông Hiền khẳng định.

“Lân là một con vật linh thiêng thì đương nhiên vào những dịp khai trương, người ta muốn lân tới nhà để biểu diễn. Khi lân vào nhà, nó sẽ xua đuổi những điều không may mắn, giúp làm ăn suôn sẻ. Điều này mang tính tâm linh nên tất nhiên, ai tin thì sẽ rất tin và cũng có người chưa tin. Tại đoàn lân của tôi, có một vị khách cứ đều đặn mỗi năm sẽ cho 10 đầu lân mới để thay thế các đầu lân cũ, với điều kiện 10 đầu lân này phải biểu diễn đầu tiên ở nhà của họ”, ông Hiền nói.

Tại sao thường có múa lân vào dịp Tết? - 3

Một chú lân đang biểu diễn. (Ảnh: Phước Duyên Đường)

Học múa lân không đơn giản

Theo ông Hiền, trong nhiều trường hợp biểu diễn, đoàn lân sẽ gồm lân, rồng, ông địa và ông thần tài. Trong đó, ông địa và ông thần tài lúc nào cũng phải hoạt bát vui vẻ, mang tới sự may mắn và những lời chúc như tiền vô như nước, làm ăn phát đạt,… Trong khi lân được hiểu là con vật vượt núi hái lộc hay băng suối hái linh chi, thì rồng được hiểu là một con vật bay trên trời với khoảng 10 người múa lượn phía sau.

Về vai trò của các thành phần khi múa lân, ông Hiền cho biết: “Bộ phận nào cũng khó khăn chứ không hề đơn giản. Đơn giản thì đã không gọi là nghệ thuật. Chẳng hạn muốn đánh trống hay múa lân đều phải tốn 4 - 5 tháng tập luyện, có khi kéo dài tới 1 - 2 năm, cái này rất vô chừng”.

Tại sao thường có múa lân vào dịp Tết? - 4

Để cầm đầu lân, người biểu diễn phải trải qua thời gian dài luyện tập đầy gian nan, thử thách.

Tuy nhiên, dù muốn vào vai trò gì trong đoàn lân thì việc đầu tiên là phải học đánh trống, xả và chiêng. Đơn giản bởi vì mọi hành động của mỗi thành viên đều thực hiện theo tiếng trống. Chỉ khi hiểu rõ nhịp trống thì cầm đầu lân vào, người múa mới nghe được, hiểu được từng bước của con lân.

Cũng theo ông Hiền, lân có 2 bộ phận là đầu và đuôi do ít nhất 2 người vào vai. Mặc dù 2 người là 2 trái tim nhưng con lân chỉ có 1 trái tim; vậy nên 2 người đó phải làm sao để hợp lại như 1 trái tim thì mới mô tả được hình ảnh con lân. Trong nhiều trường hợp, lân lớn hơn, to hơn thì sẽ cần nhiều người biểu diễn hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN