Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m

Tàu giặc to bự nhưng chìm ngổn ngang trước sự dũng mạnh của tàu ta, tất cả được tái hiện chân thực trong sa bàn tại Đền thờ Trần Hưng Đạo (Q.3, TP.HCM).

Sa bàn trận chiến trên sông Bạch Đằng (năm 1288) do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy, sắp hoàn thành dưới sự chỉ đạo của thầy Nguyễn Trung Tín - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM.

Đây là một sản phẩm hết sức công phu, mang lại cho người xem một góc nhìn tổng quan có cả chiều rộng lẫn chiều sâu về một trận chiến vang danh lịch sử. Toàn bộ công trình được thiết kế, xây dựng bởi thầy Tín cùng các cộng sự mà đa phần là học trò cũ.

“Sa bàn trận Bạch Đằng là thành phần quan trọng và hoành tráng nhất trong dự án xây dựng phòng trưng bày lịch sử thời Trần. Ngoài sa bàn trận Bạch Đằng, phòng trưng bày còn giới thiệu nhiều hình ảnh liên quan, một số cổ vật dưới dạng mô hình được chế tác lại dựa trên sản phẩm gốc”, thầy Tín chia sẻ.

Thật vậy, trong một căn phòng rộng 175 mét vuông, dưới bàn tay “ma thuật” của thầy Tín thì mọi thứ được sắp xếp thật khoa học. Vừa bước vào cửa, bên trái là hình ảnh những vùng đất gắn liền với thời Trần, cứ thế người xem có thể di chuyển dần qua phải để tìm hiểu thông tin của 3 trận chiến chống quân Nguyên - Mông, cùng hình ảnh các tượng đài Trần Hưng Đạo từ Bắc chí Nam cũng như các đền thờ của ông. Còn ngay trung tâm chính là sa bàn trận Bạch Đằng rộng 4,9 mét, sâu 3,1 mét.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 1

Toàn cảnh sa bàn trận Bạch Đằng.

Cũng theo thầy Tín, toàn bộ thời gian để hoàn thành phòng trưng bày, trong đó đã tính cả sa bàn trận Bạch Đằng là khoảng 6 tháng. Riêng về sa bàn, việc xây dựng phần phông nền đã phải tốn tới 3 tháng.

Đến hiện tại, dự án chưa hoàn chỉnh, nhưng thầy Tín khẳng định: “Chắc chắn sẽ hoàn thành xong trước rằm (tức trước ngày 8/9 - PV). Sau đó 3 ngày, sẽ có buổi lễ khánh thành vào ngày 11/9”.

Tuy nhiên, về cơ bản mọi thứ đã hoàn thành, chỉ cần cắm thêm cọc - mô phỏng cho việc quân ta sử dụng cọc và thủy triều để làm chìm thuyền địch, sau đó đổ nước vào và đóng kín lại bằng mặt kính. Song để phục vụ công tác tu dưỡng, sửa chữa về sau thì không thể thiếu cánh cửa đi vào từ bên hông sa bàn.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 2

Thầy Tín hướng dẫn các cộng sự cũng là học trò cũ cách cắm cọc lên sa bàn.

Thầy Tín cho biết thêm: “Mọi thứ được thực hiện dựa trên tư liệu lịch sử, kể cả số lượng quân ta và quân địch cũng phải có sự tương quan như ghi chép trong lịch sử. Nếu có ai bảo “quân ta lấy ít địch nhiều” là chưa chính xác, bởi vì quân ta dù sử dụng tàu, thuyền nhỏ nhưng lực lượng cũng rất đông mới có thể đẩy địch vào bãi cọc và khiến địch sập bẫy. Từ đó, thầy Tín ước chừng số lượng mô hình con người đã dùng trong sa bàn là trên một ngàn.

Sa bàn (tiếng Anh: Diorama) theo từ điển có nghĩa là cảnh tầm sâu. Chơi diorama là một thú chơi rất thú vị và tốn kém tùy vào trình độ người chơi. Để dựng được một diorama đẹp đòi hỏi người dựng phải có sự sáng tạo và hiểu biết về cảnh mà mình muốn dựng, sao cho nó trông càng giống thực tế càng tốt.

Theo anh Cao Phong, một học trò của thầy Tín tại Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM, và là một trong những người trực tiếp tham gia chế tác dự án: “Các hình người được làm theo khoảng 50 mẫu khác nhau. Quá trình thực hiện bao gồm lên bản vẽ, thiết kế khuôn, đúc và ghép. Tuy nhiên, do việc đúc các bộ phận của con người riêng biệt nên khi ghép lại có một số nhầm lẫn. Nhưng đó không phải là vấn đề vì khi ghép hình người này với tay, chân khác một cách hợp lý thì vẫn sẽ có được một mô hình người chuẩn”.

Trong khi con người được làm từ nhựa mô hình thì thuyền được làm bằng gỗ balsa, cánh buồm làm bằng vải, tất cả được sơn bằng màu acrylic, sơn mô hình và sơn dầu. Cọc thì được làm bằng gỗ cây bình thường, nhưng chia làm 3 nhóm tương ứng với chiều cao và khoảng cách gần, xa, được cắm chếch về phía trước.

Được biết, đây là một công trình có vốn đầu tư. Mặc dù không thể chia sẻ số liệu cụ thể, nhưng thầy Tín cho biết: “Tính toán lại thì thấy lỗ rồi, nhưng thấy thích nên vẫn cứ vui vẻ làm thôi, không vấn đề gì cả!”.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 3

Thuyền địch to lớn, nhưng bị bao vây bởi thuyền ta.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 4

Quân ta đánh lên thuyền địch.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 5

Các nghệ nhân phải tỉ mỉ dán từng chi tiết nhỏ nhất.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 6

Quân lính đánh nhau trên thuyền địch.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 7

 Anh Cao Phong, học trò cũ của thầy Tín đang tạo gợn sóng.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 8

 Những mô hình người hết sức sống động.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 9

Có cả lửa bốc lên.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 10

 Một số cổ vật thời Trần được mô phỏng lại.

Tái hiện trận Bạch Đằng lịch sử trong mô hình dài 4,9m - 11

 Thuyền ta nhỏ bé nhưng đã chiến thắng quân xâm lược.

Cuối tháng 12 năm 1287, quân xâm lược vượt biên giới tiến công Đại Việt. Sau hai tháng, quân Nguyên tuy chiếm được một vùng rộng lớn, nhưng ý đồ đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt quân chủ lực và bộ máy lãnh đạo kháng chiến của nhà Trần không thực hiện được. Bấy giờ, quân ta tiến công nhiều nơi, quân Nguyên ốm yếu và thiếu lương thực, thiếu tinh thần chiến đấu. Thoát Hoan cũng như các tướng lĩnh của y đã thấy chán nản rã rời, muốn rút quân về.

Từ các nguồn tin thu nhập ở Thăng Long và Vạn Kiếp, quân ta đã nắm chắc được lực lượng và kế hoạch rút lui của quân Nguyên. Từ chỗ dự đoán đường rút của quân Nguyên và dự kiến kế hoạch tác chiến của mình, Trần Quốc Tuấn đã dùng đại bộ phận thủy quân cùng một lực lượng lớn bộ binh bố trí thành một trận địa mai phục ở thượng lưu sông Bạch Đằng. Kèm theo đó, một trận địa bãi cọc ngầm được chuẩn bị, bày sẵn đón địch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN