Su-22 rơi: Ưu tiên tìm kiếm hai phi công và hộp đen

Hôm nay (19.4), lực lượng tìm kiếm vẫn gồm lữ đoàn đặc công nước cùng nhiều chiến sĩ, tàu của Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư... và đặc biệt bổ sung thêm tàu dò mìn, kim loại.

Một lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Phú Quý chiều tối nay thông tin cho Dân Việt biết, mặc dù đặc công nước và phần lớn các lực lượng đã dừng tìm kiếm do trời tối, tầm nhìn hạn chế, nhưng các tàu dò kim loại vừa được yêu cầu tìm kiếm xuyên đêm để đẩy nhanh tốc độ tìm ra tung tích của hai phi công.

"Khi phát hiện có mảnh vỡ kim loại hay bất kỳ vật thể gì đáng nghi dưới đáy biển, họ sẽ đánh dấu tọa độ rồi ngày mai (20.4) sẽ có đặc công nước lặn kiểm tra. Bây giờ chưa thể nói gì về số phận của hai phi công, nhưng nhiều mảnh vỡ vớt được trong hôm nay như cabin buồng lái, các thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng chức năng tin tưởng vị trí đang tìm kiếm đúng là nơi hai máy bay rơi", nguồn tin cho biết.

Trước thông tin này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn vào lúc 18h46. Thiếu tướng Tuấn xác nhận việc các tàu dò kim loại sẽ vẫn hoạt động trong đêm. Thiếu tướng Tuấn cũng tin "công việc tìm kiếm đang đi đúng hướng" và "kết quả phân tích các mảnh vỡ sẽ cung cấp sau".

Trao đổi nhanh với Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn lúc 17h18, được biết khu vực đang được phong toả nghi hai chiếc tiêm kích bom Su-22 rơi có nhiều rạn san hô, dòng chạy mạnh nên gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Tính tới lúc này, công cuộc tìm kiếm vẫn chỉ dừng lại ở các mảnh vỡ trục vớt được.

Ngày mai (20.4), các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tìm kiếm. Mục tiêu chính vẫn là tìm hai phi công và hộp đen máy bay.

Trao đổi với PV Dân Việt lúc 15h31, Thiếu tướng Tuấn cho biết, vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu gì về tung tích của hai phi công. Một lần nữa, vị Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam khẳng định: "Mục tiêu chính lúc này là tìm kiếm phi công và hộp đen, các thứ còn lại không quan trọng".

Ngoài ra, Thiếu tướng Tuấn còn thông tin, các mảnh vỡ vớt lên vào ngày hôm qua đã được khám nghiệm và đã "phân tích được một số thông tin ban đầu, nhưng nó chưa tổng thể nên chưa đưa ra được kết luận gì vào lúc này".

11h30: Trao đổi với PV, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, lực lượng tìm kiếm trong sáng nay đã được bổ sung thêm "3 tàu Hải quân có khả năng dò kim loại dưới đáy biển, 1 tàu Cảnh sát biển có khả năng kéo các vật nặng lên khỏi mặt nước và tăng cường thêm 12 đặc công lặn biển cùng nhiều chiến sĩ khác".

Thông qua các phương tiện hiện đại và manh mối từ các mảnh vỡ trục vớt được, Thiếu tướng Tuấn hy vọng sẽ sớm xác định được tung tích của 2 phi công cũng như nguyên nhân vụ tai nạn. "Mục tiêu hàng đầu hiện nay là tìm được hai phi công", Thiếu tướng Tuấn khẳng định.

9h45: Bộ đội Biên phòng Phú Quý từ hiện trường tìm kiếm Su-22 cho biết, các đặc công nước đã tạm ngừng lặn tìm, để cho các tàu dò mìn, kim loại làm nhiệm vụ. Sau đó, các đặc công sẽ tiếp tục lặn trục vớt ở những vị trí đã được xác định cụ thể bởi tàu dò kim loại chuyên dụng.

Cũng theo nguồn tin này, lực lượng đặc công nước đã được tăng cường vào sáng nay nhưng chưa rõ số lượng cụ thể.

Trao đổi với PV, ông Tạ Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, các tàu thuyền đánh cá của ngư dân đã được thông báo tránh xa khu vực tìm kiếm máy bay Su-22. "Thời tiết hôm nay cũng rất đẹp, gió nhẹ", ông Nhựt nói.

Tin từ Trung đoàn 937 tại Ninh Thuận, sáng nay (19.4) đã có thêm 2 trực thăng cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Tháp Chàm - Phan Rang, Ninh Thuận) chở theo các cán bộ của Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 370 và Trung đoàn 937 ra đảo Phú Quý (Bình Thuận). 

"Nếu cần thiết thì 2 trực thăng này cũng có thể được điều tới hiện trường hai chiếc Su-22 gặp nạn để hỗ trợ tìm kiếm từ trên cao", một cán bộ Trung đoàn 937 cho biết.

Trước đó, theo thông tin từ CTV trên đảo Phú Quý, ở đây có 2 trực thăng (một trắng, một vàng) liên tục bay ra hiện trường tìm kiếm rồi quay về đảo để tiếp nhiên liệu.

Su-22 rơi: Ưu tiên tìm kiếm hai phi công và hộp đen - 1
Vị trí hai chiếc Su-22 gặp nạn.

Trong đêm hôm qua (18.4), trung tá Nguyễn Trường Thành - Đồn phó nghiệp vụ (Đồn biên phòng Phú Quý) cũng đã thông tin thêm: Nhiều mảnh vỡ khác đã được khoanh vùng từ hôm qua (18.4) và sẽ được trục vớt trong hôm nay. Cũng theo trung tá Thành, lời kể của nhân chứng Nguyễn Hùng (68 tuổi) và con trai đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng chức năng khoanh vùng tìm kiếm.

Mặc dù vậy, ngoài những thùng dầu phụ, ống kim loại, khung kính buồng lái, mảnh vỡ (nghi là thân, phần đuôi máy bay Su-22) thì vẫn chưa có tung tích của hai phi công.

Theo một cán bộ điều tra thuộc Trung đoàn 937 - Sư đoàn 370, tìm được phần đầu máy bay có thể sẽ giúp tìm được hộp đen. Và hộp đen sẽ giúp giải mã chuyện gì đã xảy ra với hai phi công. "Tìm kiếm hai phi công và hộp đen là nhiệm vụ ưu tiên lúc này. Bây giờ cũng chưa thể khẳng định phi công đã nhảy dù ra ngoài hay vẫn ngồi trong máy bay khi máy bay rơi.", vị cán bộ cho biết.

Hôm nay, lực lượng tìm kiếm vẫn sẽ có lữ đoàn đặc công nước cùng nhiều chiến sĩ, tàu của Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư... và đặc biệt là bổ sung thêm tàu dò mìn, kim loại.

Như tin đã đưa, vào khoảng 11h30 ngày 16.4, trong lúc diễn tập, hai chiếc máy bay Su-22 của Trung đoàn Phòng không Không quân 937 thuộc Sư đoàn 370 đã gặp sự cố tại khu vực giáp ranh giữa vùng biển Ninh Thuận - Bình Thuận, cách đảo Phú Quý 10-15km.

Danh tính hai phi công trên hai máy bay gặp nạn được xác định là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm - Châu Đỗ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN