"Siêu dự án sông Hồng": Thủ tướng chưa xem xét phê duyệt

Dự án xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

"Siêu dự án sông Hồng": Thủ tướng chưa xem xét phê duyệt - 1

Dự án đường thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện khiến nhiều người lo ngại về tác động với môi trường sinh thái (ảnh: infonet)

Liên quan đến “siêu dự án”, xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện gây xôn xao dự luận trong thời gian qua, Văn phòng Chính Phủ vừa phát đi thông cáo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

“Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật”, thông cáo nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.

Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.

Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cách thức triển khai thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng được cho là một “siêu dự án”, do Công ty Xuân Thiện đề xuất với tham vọng tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288km đường sông và kết hợp làm thủy điện.

Về quy mô dự án, xây dựng các đập dâng nước và âu tàu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cai (chiều dài 288 km) kết hợp xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp đảm bảo cho tàu 400 tấn và sà lan 600 tấn lưu thông quanh năm.

Mặc dù chưa đề ra địa điểm đặt 6 thủy điện trên sông Hồng, đề án của Cty Xuân Thiện đã định hướng làm 7 cảng và âu tàu trên dọc tuyến thủy lộ, đó là: cảng Phố Mới (Hưng Yên), cảng Apatit và cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp và Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).

Mục tiêu đặt ra của nhà đầu tư là cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng kết nối đồng bộ với tuyến vận tải thủy Hải Phòng – Việt Trì, tuyến Hà Nội – Lạch Giang (Nam Định), cung cấp lượng điện năng đáng kể, tạo động lực phát triển KT – XH cho các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực vận tải đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội – Lào Cai.

Thông tin về dự án đã vấp phải nhiều ý kiến lo ngại về tác động với môi trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN