Scotland bỏ phiếu đòi độc lập: Người Anh thở phào

Kết quả trưng cầu dân ý ban đầu cho thấy đa phần người Scotland không nhất trí với phương án tách khỏi Anh.

Ngày 19/9, những kết quả kiểm phiếu đầu tiên trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Scotland cho thấy đa phần cử tri lựa chọn câu trả lời “Không” cho câu hỏi “Bạn có muốn Scotland trở thành một quốc gia độc lập hay không”.

Scotland bỏ phiếu đòi độc lập: Người Anh thở phào - 1

Người dân Scotland tới các điểm bỏ phiếu để quyết định số phận của vùng đất này

Theo đó, chính quyền của 18 khu vực cho hay người dân của họ không đồng ý với việc tách Scotland ra khỏi Vương quốc Anh để trở thành một quốc gia độc lập, và cho đến nay mới chỉ có 4 khu vực nhất trí với phương án này.

Mặc dù vẫn còn 10 khu vực nữa chưa có kết quả kiểm phiếu, nhưng nhiều khả năng cuộc trưng cầu dân ý này sẽ là một thất bại lớn cho những người đòi tách Scotland khỏi Vương quốc Anh. Dự kiến kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý sẽ được công bố trong vài giờ nữa.

Tất cả các quán rượu ở Scotland đều sáng đèn suốt đêm hôm qua, khi người dân đến đây và hồi hộp bàn tán trong khi chờ đợi số phận của một Liên hiệp Vương quốc Anh đã tồn tại suốt 307 năm qua.

Ông Greg Waddell, một bác sĩ làm việc ở Glasgow cho biết ông chọn phương án “Đồng ý” vì một Scotland không có quyền lực thực sự sẽ ngày càng trở nên lệ thuộc cũng như tình trạng bất bình đẳng ở Scotland hiện nay.

Tuy nhiên, đa số trong 4,2 triệu cử tri bỏ phiếu lần này tỏ ra ít lạc quan hơn về triển vọng độclập cho Scotland. Ông Nick Allan đến từ Aberdeen cho rằng nền kinh tế Scotland sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu tách ra đứng một mình khỏi Vương quốc Anh.

Scotland bỏ phiếu đòi độc lập: Người Anh thở phào - 2

Đa số người dân Scoltand không đồng ý tách khỏi Anh vì lo ngại về kinh tế

Ông này nói: “Vấn đề vẫn là ở tiền. Họ sẽ không có đủ tiền để trang trải hết những điều mà họ hứa hẹn cho một Scotland độc lập. Đất nước này sẽ sớm phá sản chỉ trong vài năm”.

Ngoài ra, rất nhiều câu hỏi liên quan đến nền độc lập cho Scotland vẫn chưa có câu trả lời, chẳng hạn như hệ thống tiền tệ, y tế, quốc phòng của đất nước này và cả tư cách thành viên trong EU. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã công khai tuyên bố rằng họ không đồng ý cho Scotland gia nhập EU nếu vùng đất này trở thành quốc gia độc lập.

Giáo sư Michael Desch, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Đại học Notre Dame cũng có chung những quan ngại như vậy. Ông nói: “Nếu Scotland lựa chọn độc lập, thế giới hiện nay sẽ thay đổi bất khả cứu vãn. Việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh có thể mở ra chiếc hộp Pandora, tạo tiền đề cho một loạt các khu vực khác trên thế giới đòi ly khai”.

Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, số người dân Scotland tham gia bỏ phiếu đã đạt mức kỷ lục từ trước tới nay với 85% số cử tri đến các điểm bỏ phiếu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Time) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN