Săn ong mật: Nghề của những “lá gan lớn”

Mật ong rừng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình, nhưng ít người biết rằng, để lấy được những lít mật ngọt ngào đó, người thợ săn mật ong phải bất chấp hiểm nguy giữa rừng sâu…

Thợ săn ong

Thôn Minh Phú, xã Sơn Hoá, huyện Tuyên Hoá là một trong những thôn nổi tiếng nhất về nghiệp săn mật ong rừng ở Quảng Bình. Thôn có 39 hộ sống sát bìa rừng, không ruộng, không đất nên lấy nghề săn mật ong rừng làm nghiệp mưu sinh.

Theo “mách miệng” của một đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh huyện Tuyên Hoá, cứ lên Minh Phú hỏi Trưởng thôn Nguyễn Phúc Long là thợ săn mật ong có tiếng ở đây sẽ rõ. Ông Trưởng thôn Long chỉ ngoài 30 tuổi nhưng trông rắn rỏi, phong sương vì 14 tuổi đã biết rúc rừng, 17 tuổi đã thành thạo săn ong.

Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm là mùa săn mật ong rừng của người dân miền núi tỉnh Quảng Bình. Đang giữa mùa hè, mới sáng mà nắng đã chói chang khắp các cánh rừng. Chúng tôi theo nhóm thợ săn mật ong rừng của Trưởng thôn Long gồm 5 người vào khu rừng Rục Làn thuộc địa phận xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá. Đồ nghề mang theo chỉ chiếc gùi bọc bao bóng, những con dao đi rừng và cơm nắm muối lạc bữa trưa cho 6 người. “Hôm nay có nhà báo đi theo nên chúng tôi chỉ đi trong ngày, chứ mọi khi phải sẵn thức ăn cho cả chục ngày trong rừng…”– Long nói. Anh Long dẫn chúng tôi đi theo một khe nước róc rách chảy.

Long giải thích: “Muốn biết con ong làm tổ ở đâu, người thợ săn ong phải bắt đầu từ những khe nước. Ở đó, những con ong thợ sẽ ra lấy nước và thợ săn ong sẽ theo dấu những con ong đó mà tìm ra tổ ong. Đây là công việc quan trọng, quyết định thành bại những chuyến đi lấy mật của người thợ săn mà dân trong nghề gọi là “vèn ong”, tức là cách tìm tổ ong. Con ong vốn rất khôn, khi lấy nước xong không bay thẳng về tổ mà nó sẽ bay vòng vèo để đánh lạc hướng “kẻ thù”. Có con lấy nước xong, quay đầu chui vô bụi, chờ một lát mới chui ra bay thiệt cao về tổ, đây là ong cổ cựu. Ngược lại, ong mới ra ràng, gọi là ong tơ, thường bay chậm, nhưng lại la cà đâu đó một lát rồi mới chịu về “nhà”.

Chúng tôi đi một hồi lâu qua những đoạn suối róc rách chảy, đến một đoạn suối cạn nước trong, cát mịn, thoáng có mấy chú ong bay xẹt xuống lấy nước, Long bảo chúng tôi dừng lại, rồi leo tót lên một cây cao hơn chục mét ngay bờ suối. Những chú ong mật lấy nước xong bay lên cao, Long định thần nhìn theo. Con ong bay theo vòng xoáy ốc, lên cao quá ngọn cây nơi Long trú rồi dong thẳng. Long tụt xuống gốc, bảo chúng tôi tổ ong ở hướng tây nam, cách đó chừng 1km theo đường chim bay. Chúng tôi theo chân Long, vén cây xuyên rừng mà đi. Như Long dự đoán, cách con suối chừng 1km, một tổ ong mật to như chiếc bàn treo lơ lửng trên một cành cây cao hơn 30m…

Săn ong mật: Nghề của những “lá gan lớn” - 1

Vắt mật ong rừng vừa “đánh” được

Hiểm nguy thường trực

Phát hiện ra tổ ong, Long phân công mọi người đi lấy dây rừng, sau đó cứ khoảng 1m thì buộc một nút vào thân cây (người săn ong gọi những nút này là đày), buộc từ cội cây cho đến tổ ong, đây chính là cái thang để người thợ trèo lên đánh mật. Theo Long, có nhiều tổ ong đóng ở trên cây cao, phải làm từ 30 đến 40 đày mới tới tổ. Làm xong đày, Long đi tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi quanh bên ngoài, để đốt lên không ra lửa mà ra khói, gọi là “trái khói”. Xong, Long vai mang theo cái gùi (để đựng mật), tay cầm trái khói chậm rãi leo lên cây…

Trưởng thôn Nguyễn Phúc Long cho biết: “Ngày xưa mật ong rừng còn nhiều, mỗi vụ đánh mật nhóm chúng tôi “đánh” được hàng trăm chai. Có tổ ong tôi thu được hơn 20 chai mật là chuyện thường. Thôn chúng tôi sống khoẻ nhờ nghề mật ong. Những năm gần đây, núi rừng bị tàn phá nhiều, ong rừng cũng ít đi. Chúng tôi phải cơm đùm, gạo bới vào tận các khu rừng ở Huế, Quảng Trị để tìm mật, nhưng mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 40 chai”.

Khi leo đến tổ ong, Long mới thong thả nổi lửa châm “trái khói”, huơ huơ về phía tổ ong. Khói trắng mù mịt, chúng tôi đứng ở dưới nhìn lên, cả người Long và tổ ong bị một làn khói trắng bao bọc. “Say” khói, đàn ong rời tổ, bay ra dày đặc. Lúc này tổ ong hiện ra màu vàng rực và sực nức mùi hương quyến rũ của mật. Giữa làn khói trắng, Long cúi xuống bên tổ ong, cẩn thận lấy liềm cắt từng mảng tầng ong đầy mật, nhộng cho vào gùi. Chiếc gùi đầy tầng ong nặng trĩu sau lưng, cũng là lúc Long bắt đầu tụt xuống. Công việc còn lại chỉ là vắt những lít mật ngọt ngào vào chai để mang về. Thế nhưng theo Long, không phải lúc nào công việc cũng diễn ra thuận lợi như thế. Long kể, đã không ít lần anh bị trượt chân, cả người và gùi mật rơi từ độ cao hàng chục mét xuống đất, may mà rơi trúng bụi dây leo hay lá cây… chứ không thì đã toi mạng.

Theo Long, lấy mật ong ở trên cây còn đỡ. Chứ có những đàn ong lấy những hốc đá cao trên lèn làm tổ. Gặp những tổ ong như thế, những người thợ săn ong phải leo lên đỉnh lèn, sau đó từ đỉnh lèn dùng dây thừng đu tụt xuống, đu dây vào để đánh mật. Lúc này người thợ săn ong chẳng khác gì một vận động viên leo núi trong môn thể thao mạo hiểm. Chỉ cần sợi dây đứt coi như là mất mạng. “Chỉ những người có lá gan lớn mới làm được nghề này thôi” – Long bảo.

Tôi cũng nghĩ vậy. Trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài, chúng tôi đã đến thôn Đồng Lào, xã Thuận Hoá, huyện Tuyên Hoá, nơi cũng có nhiều người lấy nghề săn ong mật làm nghiệp mưu sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn ở cái làng quê nhỏ bên thượng nguồn sông Gianh này đã có 2 người đàn ông xấu số là anh Nguyễn Văn T và anh Đoàn Xuân T tử vong do bị rơi từ trên cây cao xuống khi đang lấy mật ong; để lại vợ và những đứa con nhỏ nheo nhóc rất tội nghiệp…

Mật thật, mật giả

Mật ong rừng ngày càng hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tại thôn Minh Phú, mỗi chai (700ml) mật ong rừng có giá 300.000 đồng nhưng không có mà bán. Nghề lấy mật ong nguy hiểm, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” đã đành, người tiêu dùng cũng thích “tinh hoa núi rừng” hơn mật ong nuôi, mặc dù ong nuôi giá rẻ, chỉ khoảng 120.000 đồng và có khá nhiều.

Thế nên trà trộn trong “thị trường” mật ong thật, lâu lâu ở huyện Tuyên Hoá vẫn xuất hiện những người đi bán mật ong giả. Những người này “cải trang” giống như “ở trên núi mới xuống”. Nào vai mang gùi, tay cầm rựa, lam lũ đúng chất núi rừng. “Đồ nghề” của họ là những mẩu tầng ong thật đã dùng bơm tiêm hút hết mật (hoặc tầng ong không có mật), rồi bơm mật giả vào cho con ong non, ong già muối “mật” ướt cánh nằm la liệt bay không được. Trên tầng ong có cả dăm cây, lá rừng… Đi kèm “hiện trường” là những lời mời như thật, khiến nhiều người không rành tin tưởng, móc hầu bao mua. Không ngờ vài ngày sau, chai mật sình lên, khi đó “thượng đế” mới hay mình bị “chúng nó lừa” bán mật giả.

Anh Long giúp chúng tôi phân biệt mật ong thật, giả. Theo anh, mật ong thật có độ keo sóng sánh, màu vàng trong, nếm vào ngọt thanh và có hương vị riêng. Mật pha đường thì loãng, ngọt lợ, không có hương vị. Tuy nhiên, nếu là người không có kinh nghiệm thì rất khó phân biệt. Muốn chắc chắn, phải thử bằng giấy. Cho hai giọt mật lên tờ giấy, nếu mật ong thật sẽ không có chất nước thấm ra xung quanh và ở dưới, còn mật giả thì nước thấm ướt nhèm”. “Mật thật để bao nhiêu năm cũng được, càng để lâu càng keo, càng đậm. Nếu để lâu bề mặt sẽ tạo thành một lớp sáp cứng, khi dùng ta gạt bỏ phần này” – anh Long chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN