Rùng mình với cần cẩu công trình!

Với các quy định, cách thức kiểm định, giám sát cần cẩu công trình hiện tại thì người dân chỉ còn biết đến may rủi.

 

Rùng mình với cần cẩu công trình! - 1

Những chiếc cần cẩu cao hàng chục mét tại một công trình xây dựng ở giao lộ Hoàng Văn Thụ - Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP HCM) Ảnh: GIA MINH

Mới đây nhất, ngày 12-5, một chiếc xe cẩu ở công trình thi công dự án căn hộ cao cấp trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TP HCM) bất ngờ đổ sập, đè vào trường mầm non kế bên. Vụ việc khiến không ít người thêm một lần nữa giật mình, lo sợ.

Quá hoảng

Ngày 13-5, ghi nhận trên địa bàn TP HCM vẫn còn hàng loạt cần cẩu đã gỉ sét, treo lơ lửng trên các nóc nhà giữa khu dân cư. Tại một số công trình, nhiều tay cẩu chìa hẳn ra ngoài, đánh đu trên đầu người đi đường nhưng việc bảo đảm an toàn và phòng ngừa sự cố cho loại thiết bị thi công này lại quá sơ sài.

Đơn cử như tại dự án nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) - thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, trưa 13-5, phóng viên ghi nhận có 2 chiếc xe cẩu nằm “nghênh ngang” đối diện nhau. Một chiếc, tay cẩu cheo leo trên cửa một tiệm kinh doanh đông khách ra vào. Chiếc xe này nằm chênh vênh trên nền đất xốp nhưng xung quanh không có rào chắn cũng như bảng cảnh báo an toàn. Đối diện là một xe cẩu khác tuy đã được rào lại bằng tôn, có biển báo công trình đang thi công nhưng tay cẩu treo lơ lửng trên cao khiến nhiều người đi ngang qua đều thấy rùng mình!

Cũng ghi nhận vào trưa 13-5 trên đường Phan Văn Trị (đoạn qua phường 11, quận Gò Vấp), công trình thi công dự án khu dân cư Cityland Gò Vấp đang gấp rút được thực hiện. Khoảng 13 giờ 30 phút, nhìn vào bên trong, thấy chiếc cần cẩu “treo” vắt vẻo trên đầu các công nhân mà không khỏi ớn lạnh. “Chẳng có gì bảo đảm tay cẩu này không bị đổ sập và sinh mạng những người phía dưới có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào” - anh Phạm Chiến (ngụ phường 7, quận Gò Vấp) nói.

Không chỉ tại các khu vực trên, ở một số công trình xây dựng nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Hai (quận Tân Bình); Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp); Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); xa lộ Hà Nội (quận 9)…, người dân cũng luôn bất an khi thấy những chiếc cần cẩu cao hàng chục mét nằm lơ lửng trên đầu, chực chờ gây tai nạn.

Trở lại vụ chiếc xe cẩu tại công trình xây dựng căn hộ cao cấp trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TP HCM) bị đổ sập, đại diện Công ty CP Đầu tư Tie Exim (chủ đầu tư), cho biết nguyên nhân ban đầu được xác định do sự bất cẩn của đơn vị thi công là Công ty CP Địa chất - Xây dựng Miền Nam. Cụ thể, vào khoảng 10 giờ ngày 12-5, chiếc xe cẩu được đưa vào công trình nói trên để thử tĩnh cọc. Do gặp vấn đề về kỹ thuật khi hạ tải khiến xe bị nghiêng làm tay cẩu đổ vào trường mầm non kế bên.

Theo ông Đào Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tie Exim, sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư đã làm việc với đơn vị thi công cùng bên tư vấn giám sát - quản lý dự án trên và chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra để đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc có hình thức xử lý khác đối với 2 đơn vị này.

Ham đồ rẻ, kiểm định sơ sài

Theo ông Vũ Quốc Việt, Trưởng Phòng An toàn Lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, nhiều nhà thầu chọn cẩu rẻ tiền từ một số hãng kém uy tín của Trung Quốc, cần cẩu cũ của Liên Xô từ vài chục năm trước, là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn sập cần cẩu. “Cẩu của Trung Quốc có loại chỉ 1,7 tỉ đồng so với một số loại cẩu của châu Âu sản xuất là 7-8 tỉ đồng, khoảng cách quá xa. Không có chuyện đã ngon, bổ lại rẻ ở đây. Tai nạn sẽ còn tiếp tục nếu chúng ta cứ theo tâm lý này” - ông Việt thẳng thắn nhìn nhận và cho biết thêm: Chất lượng kiểm định và giám sát độ an toàn của cần cẩu đang có vấn đề, cần phải đưa ra những quy định chặt chẽ hơn và chế tài rõ ràng. Không thiếu chuyện kiểm định sơ sài, kiểm định từ xa, kiểm định qua điện thoại. “Kiểm định sơ sài, tiền lấy đi còn mối nguy bỏ lại cho xã hội”.

Ngoài ra, ông Việt còn nêu một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng đó là việc đào tạo người vận hành cần cẩu đang bất hợp lý. Chỉ mất 3 tháng đào tạo là có chứng chỉ hành nghề là quá sơ sài, không đủ thời gian để người ta có thể hiểu hết đặc tính của thiết bị này. “ Khi tải hàng, phải nâng xong mới xoay, nhưng nhiều người cứ vừa nâng vừa xoay. Nhiều khi kiểm định, tư vấn giám sát có đó nhưng cũng chẳng biết đến nguyên tắc này để kiểm tra”.

Hơn nữa, theo đánh giá của Sở Xây dựng TP HCM, mặc dù đã có quy định trong Quyết định 73 năm 2011 của UBND TP về việc sử dụng cần cẩu ở các công trường xây dựng trên địa bàn TP để bảo đảm an toàn nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Quyết định ghi rõ: phải có kế hoạch vận hành cần trục xây dựng, cần trục có tay cần ngang vượt ra khỏi phạm vi công trường phải có biện pháp bảo đảm an toàn, xác định vùng rủi ro khi có vật rơi. Thế nhưng, gần như tất cả các quy định này bị các đơn vị thi công, chủ đầu tư, giám sát ngó lơ...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, ngay cả Quyết định 73 cũng có những khó khăn vướng mắc khi thực hiện. Theo quy định đơn vị thi công phải xác định được thời điểm cần trục quay ra bên ngoài công trường và phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, UBND các phường, quận… tổ chức điều tiết giao thông và di dời người dân trong vùng ảnh hưởng. Thực tế các yêu cầu này ở TP HCM đến nay chưa thể thực hiện được vì chi phí tăng cao và thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan có liên quan. Chỉ riêng một mình đơn vị thi công thôi thì không thể làm xuể.

Phải bảo đảm an toàn cho người dân

Thành ủy TP HCM ngày 12-5 ban hành công văn số 196-CV/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn các công trình xây dựng đang thi công trên địa bàn TP.

Trong công văn này, Thường trực Thành ủy yêu cầu cấp ủy lãnh đạo thủ trưởng các đơn vị quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các quận - huyện chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về xây dựng, quản lý an toàn lao động trên công trường… Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị thi công, nhà đầu tư xây dựng… UBND quận - huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng đang thi công trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ các quy định về kỹ thuật và an toàn lao động; kiểm tra an toàn kỹ thuật các phương tiện, thiết bị vận hành tại các công trường xây dựng, tránh gây nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân và người lao động.

T.Đ

Hà Nội: “Tử thần” treo lơ lửng

Tại Hà Nội, ghi nhận trong ngày 13-5 của phóng viên cho thấy có nhiều công trình đang xây dựng ngay gần các tuyến phố đông người, hầu hết đều sử dụng những cần cẩu cao vài chục mét và khối bê tông đối trọng nặng hàng tấn vươn ra ngoài hàng rào hoặc lơ lửng ngay trên nhà dân. Điều đáng nói là những dự án này đều không có biển cảnh báo, như công trình xây chung cư tổ hợp Đại Kim (Thanh Xuân), chung cư Yên Hòa (Cầu Giấy) ...

Ng.Hưởng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Minh - Bạch Đằng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN