Rớt nước mắt những mảnh đời bị chối bỏ

Những vệt nước mắt lăn dài trên đôi má bầu bĩnh, tiếng khóc trẻ thơ khát sữa... là những ám ảnh ban đầu của tôi khi tìm đến với những thân phận không may mắn này.

Ở cái mái ấm là nơi nương tựa ấy, có em mới chỉ được mấy ngày tuổi, có em đã khôn lớn. Hơn 150 mảnh đời bất hạnh không giống nhau nhưng trong đó có đến 67 em chung nỗi đau - Nỗi đau cha mẹ ruồng bỏ.

Rớt nước mắt những mảnh đời bị chối bỏ - 1

Mẹ Lan đang tra thuốc chữa thủy đậu cho Đức Anh

Cha em là ai? Mẹ em là ai?

Cách trung tâm Hà Nội chừng 5 km, lâu nay chùa Bồ Đề ở phố Phú Viễn (phường Phổ Đề, Long Biên) trở thành nơi cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Sư thầy trụ trì Thích Đàm Lan tâm sự: “Nhà chùa đứng ra nuôi trẻ mồ côi đã gần 20 năm nay, mấy năm trở lại đây chùa cưu mang những trẻ bị bố mẹ bỏ rơi.

Thật đáng buồn là những số phận bất hạnh càng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Không dám chắc nhưng chúng tôi biết phần nhiều những ông bố bà mẹ này là những sinh viên có những đứa con ngoài mong muốn”.

Trường hợp mới nhất mà ngôi chùa này tiếp nhận là bé Kiều Lan Anh. Lan Anh mới đến đây được mấy tháng. Vị trụ trì kể rằng Lan Anh được một số sinh viên trường Cao đẳng Du lịch bế đến nhờ nhà chùa nuôi sau khi nhặt được đứa trẻ này ở một khu trọ sinh viên. Lúc đó, Lan Anh chỉ mới được 2 - 3 ngày tuổi.

Đáng thương hơn cả là trường hợp của Mai Anh. Mai Anh được cưu mang đã hơn 2 năm, nhưng hoàn cảnh em vào chùa mới đáng thương tâm mà không một ai ở ngôi chùa này quên được. Một đêm mùa hè năm 2007, người ta nghe tiếng trẻ em khóc lanh lảnh trong đêm khuya vắng lặng ở khu chợ phường Gia Thụy (Long Biên).

Ai cũng nghĩ là ma quỷ nên không dám đến gần. Mãi gần sáng, có người bán hàng sớm mới thấy một đứa trẻ đã bầm tím mặt mày. Sư thầy Đàm Lan kể rằng khi đưa đến chùa thì Mai Anh tưởng như không còn thở, cả người nổi mẩn vì muỗi đốt. May mắn, Mai Anh đã ở lại với cuộc đời, với ngôi chùa này.

Rồi một buổi sáng tháng 11/2008, một người đàn bà khác hớt hải bế một bé trai vào chùa trao cho sư trụ trì. Bà là chủ một khu nhà trọ ở đường Giải Phóng, nơi mẹ của đứa bé trai đã từng sống. Bà kể lại cho sư thầy câu chuyện đã buồn mà còn bi kịch của đứa trẻ bà ẵm trên tay mình.

Mẹ của bé trai đã trót mang thai mà không thể xác định được bố em là ai. Sợ hãi, bị ruồng rẫy khiến chị không còn đường về quê. Chị đành phải thuê một căn phòng trọ để sinh và nuôi con mình. Chị đã nuôi con cho đến tháng thứ 4 thì bi kịch xảy đến.

Đứa trẻ không cha bỗng chốc thành đứa bé mồ côi không nơi nương tựa khi mẹ em không qua được sau một tai nạn giao thông. Chùa Bồ Đề giang rộng vòng tay đón nhận sinh linh bất hạnh kể từ ngày được người chủ nhà trọ ẵm vào. Đau đớn hơn khi đứa trẻ mồ côi ấy lại phải mang trong người đủ thứ bệnh: nhiễm HIV, vỏ sọ méo, não không phát triển, viêm tai và mũi.

Mẹ Sen - Người trực tiếp chăm sóc Quang Anh - nói trong nước mắt: “Đau chỗ nào con nào có biết kêu, chỉ khóc thôi. Nhìn con mà thương không cầm được nước mắt… Không biết là được bao lâu nữa”.

Còn rất nhiều, rất nhiều hoàn cảnh éo le nữa được nhà chùa cưu mang. Sư thầy Đàm Lan cho biết, có nhiều con đường để các em đến chùa, một là người dân nhặt được, hai là ở các bệnh viện đưa đến, nhưng phần nhiều vẫn là bị bỏ lại ở cổng chùa.

Vì đâu nên nỗi?

Khuất ven bờ sông Hồng, không yên ắng như các ngôi chùa khác, chùa Bồ Đề không lúc nào ngớt tiếng bi bô của trẻ. 67 trẻ sơ sinh được 15 người mẹ nuôi chăm sóc ở một khu nhà riêng phía sau nhà chùa. Ngoài nỗi đau bị ruồng bỏ, phần nhiều các em còn phải chiến đấu với bệnh tật.

Mẹ Lan vừa vỗ về vừa tra thuốc cho Đức Anh vừa tâm sự: “Đức Anh đang bị thủy đậu. Lúc bị bố mẹ bỏ rơi ở cổng chùa Đức Anh bị nặng lắm. Các nốt thâm tím nổi lên đầy người, nhưng bây giờ thì đã đỡ đi nhiều rồi”.

Cũng bị thủy đậu như Đức Anh nhưng Hùng Anh lại mắc thêm bệnh tắc tuyến lệ nên nước mắt cứ trào ra cả ngày. Nhìn ánh mắt nhạt nhòa trong nước mắt của Hùng Anh mới thật đáng thương. Vào chùa từ lúc còn quấn trong tã, giờ cậu bé này đã biết bi bô gọi mẹ nuôi, biết đi, biết vâng dạ người lớn nhưng em không thể biết được bố mẹ đẻ của mình là ai.

Rớt nước mắt những mảnh đời bị chối bỏ - 2

Quang Anh có lớn mà não không phát triển

Trong số những em ở đây, không ít em mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Mẹ Cúc - Người có mặt ở đây đã 7 năm trời - không ít lần phải chứng kiến những đứa con nuôi của mình mắc phải căn bệnh quái ác đó. Có lẽ đó là tận cùng của nỗi khổ đau bất hạnh mà những đứa trẻ còn ngây thơ chưa biết gì phải gánh chịu.

Mẹ Cúc kể lại chuyện của Phúc Anh: “Được đưa vào chùa khi còn đỏ hỏn trong nôi, sau 3 tháng, Phúc Anh được khám sức khỏe định kỳ. Thật không may, trong lần thử máu đầu tiên Phúc Anh đã dương tính với HIV. Qua 5 lần kiểm tra liên tiếp số mạng của cậu bé chưa được một tuổi này vẫn mong manh với 3 lần dương tính, 2 lần âm tính”.

Cái tên Phúc Anh được cả sư thầy và các bảo mẫu ở chùa nghĩ ra để đặt cho em với mong muốn lần thử máu tiếp theo của em sẽ cho kết quả ân tính. Đặt tên cháu là Phúc Anh để hy vọng cháu sẽ có phúc, để cháu được ở lại với đời, với mái nhà này, và với các mẹ.

Rớt nước mắt những mảnh đời bị chối bỏ - 3

Sư thầy Đàm Lan

Đừng chối bỏ giọt máu của mình!

Cưu mang người khốn khó là trách nhiệm của nhà chùa, nhưng sư thầy Đàm Lan không khỏi trăn trở: “Vì lý do này lý do khác, càng ngày càng có nhiều ông bố bà mẹ đành lòng bỏ rơi giọt máu của mình. Những trường hợp đó, bản thân tôi không từ chối cưu mang một trường hợp nào cả. Chúng tôi chỉ có thể nuôi dạy các cháu nên người nhưng không thể bù đắp được vết thương tinh thần quá lớn đó được”.

Tuy không biết bố mẹ mình là ai nhưng các em vào chùa đều có họ tên đầy đủ. Con trai lấy họ Cù, họ Kiều dành cho các bé gái và được đến trường lớp đầy đủ.
Từ ngày nhận những bé đầu tiên bị bỏ rơi, côi cút không nơi nương tựa đến giờ đã có khá nhiều bé lớn và trưởng thành, biết kiếm tiền nuôi các em mới về. Sư thầy Đàm Lan kể vừa rồi có em học tiếng Anh giỏi lắm, muốn học tiếp lên cao nhưng rồi lại thôi vì không đủ tiền đóng học…

Thầy tâm sự: “Nhìn những gương mặt non nớt, ngây thơ với ánh mắt trong veo của các cháu mà ước gì giá như những người cha, người mẹ của các em có thể nhìn thấy những đôi mắt và nụ cười đáng yêu ấy. Họ đã chối bỏ món quà quý giá nhất của cuộc sống dành tặng cho mình".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Phương (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN