Quân đội là mục tiêu "đả hổ" tiếp theo của TQ?

Sau khi Chu Vĩnh Khang bị điều tra, tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đang vô cùng bất an, lo lắng.

Một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố chính thức điều tra và truy tố cựu ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, nhật báo Quân Giải phóng lập tức đăng bài tung hô và thể hiện sự “ủng hộ toàn diện” của lực lượng quân đội và cảnh sát vũ trang đối với cuộc điều tra này.

Tờ Quân Giải phóng cũng “hy vọng” rằng thượng tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương bị điều tra từ đầu tháng Bảy với tội danh tham nhũng sẽ là quan chức quân đội “cuối cùng” bị vướng vào tấm lưới chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình giăng ra trên quy mô toàn quốc.

Trong bài báo này, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc kêu gọi toàn thể sĩ quan, binh sĩ “ủng hộ cuộc điều tra” Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, và rằng không ai sẽ được hưởng ngoại lệ trong chiến dịch này, dù người đó quyền cao chức trọng tới đâu đi chăng nữa.

Quân đội là mục tiêu "đả hổ" tiếp theo của TQ? - 1

Thượng tướng Từ Tài Hậu bị bắt giữ và điều tra từ đầu tháng Bảy

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng có một động thái bất thường khi cho phép các phóng viên quốc tế của AP, Reuters, Asahi Shimbun, ITAR-TASS... tham dự cuộc họp báo thường kỳ để thể hiện sự “minh bạch” hơn.

Trước các phóng viên trong nước và quốc tế, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Geng Yansheng nói: “Chúng tôi hy vọng việc tham dự buổi họp báo này sẽ giúp các bạn đưa tin về các vấn đề quân sự ở Trung Quốc, để giúp thế giới nhìn nhận Trung Quốc và quân đội chúng tôi theo cách khách quan và đúng thực tế hơn”. Ông này cũng không quên nhắc lại sự ủng hộ của cán binh quân đội đối với cuộc điều tra Từ Tài Hậu.

Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc cũng cấp tập tung ra thông tin về những thành tựu mà họ vừa đạt được để khơi dậy sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Hôm qua, họ ngầm thừa nhận về sự tồn tại của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41 có khả năng bắn tới Mỹ. Họ cũng khoe rằng đã thiết lập một trung tâm chỉ huy hải-không quân để giám sát Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Tờ Đại Công Báo ở Hong Kong cũng “hòa giọng” khi nói rằng trung tâm chỉ huy này sẽ giám sát mọi hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và có thể kiểm soát tới 300 máy bay chiến đấu.

Theo các chuyên gia phân tích, những động thái trên của quân đội Trung Quốc thể hiện một thực tế rằng các tướng lĩnh nước này đang đối mặt với nỗi sợ hãi trở thành mục tiêu tiếp theo trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt là trong bối cảnh chiến dịch này đã lấy được đà và đang tăng tốc.

Phát biểu trong chuyến thăm một căn cứ quân sự ở Phúc Kiến hôm qua, ông Tập nói rằng sẽ tiếp tục tấn công vào nạn tham nhũng, hối lộ trong quân đội, để cho các binh sĩ “nhớ rõ ưu tiên của mình ở đâu”.

Quân đội là mục tiêu "đả hổ" tiếp theo của TQ? - 2

Ông Tập Cận Bình đến thăm một căn cứ quân sự ở Phúc Kiến

Nhân dịp này, ông Tập cũng kêu gọi sĩ quan, binh sĩ quân đội tránh “tứ nạn” là chủ nghĩa hình thức, quan liêu, hưởng lạc và lãng phí, đồng thời tái khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội.

Theo chuyên gia phân tích Clint Richards của tờ The Diplomat, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc biết rõ rằng nguy cơ họ trở thành mục tiêu trong chiến dịch của ông Tập là rất cao, và nhiều khả năng chiến dịch này sẽ tiếp tục “thừa thắng xông lên” chứ không dừng lại như họ vẫn hy vọng.

Từng là một lực lượng chính trị đáng tin cậy của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong hai thập kỷ qua, quân đội nước này đã chứng kiến nhiều vụ bê bối tham nhũng làm giảm sút uy tín trầm trọng. Với sự ngã ngựa của những nhân vật đầy quyền lực như Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang, các tướng lĩnh quân đội đang ngày càng bất an về số phận của mình.

Quân đội là mục tiêu "đả hổ" tiếp theo của TQ? - 3

Các tướng lĩnh quân đội đang lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của ông Tập

Có vẻ như hiện các tướng lĩnh cấp cao quân đội Trung Quốc đang cố bấu víu vào “chiếc phao” cuối cùng là khả năng kêu gọi sự hậu thuẫn của những người theo chủ nghĩa dân tộc bằng những chính sách đối chọi với Nhật Bản và Mỹ.

Theo chuyên gia Richards, một khi cảm thấy bị đe dọa bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, các tướng lĩnh Trung Quốc sẽ tận dụng thứ vũ khí tinh thần này một cách quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc chơi chính trị này, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tỏ ra vô cùng khôn ngoan và sắc sảo, khi ông chưa vội vàng hành động nếu chưa chắc chắn cô lập được mục tiêu và có được những sự ủng hộ chính trị cần thiết. Đối với ông Tập, đối phó với nạn tham nhũng đang hoành hành trong quân đội là một thử thách rất lớn nữa mà ông cần phải có quyết sách phù hợp để vượt qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Diplomat) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN