Putin khẩn cấp điều quân đến kiểm soát Bắc Cực

Tổng thống Nga ra lệnh cho quân đội tăng cường hiện diện và hoàn thành các kế hoạch kiểm soát Bắc Cực vào cuối năm nay.

Ngày 10/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Cực và hoàn chỉnh các kế hoạch nâng cấp các căn cứ quân sự ở đây muộn nhất vào cuối năm nay trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới đang đua nhau giành quyền kiểm soát khu vực giàu tài nguyên này.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông Putin đã ca ngợi những công việc mà quân đội Nga đã làm tại Bắc Cực, nơi Canada vừa mới tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng lớn này.

Putin khẩn cấp điều quân đến kiểm soát Bắc Cực - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Các quốc gia lớn khác trên thế giới như Mỹ, Đan Mạch và Na Uy cũng đang tìm cách tăng cường kiểm soát cái mà họ gọi là “phần công bằng” của mình tại vùng Bắc Cực giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt vốn chưa được khai thác.

Ông Putin đã ra lệnh cho người đứng đầu lực lượng vũ trang Nga: “Tôi yêu cầu quân đội đặc biệt chú ý đến việc triển khai cơ sở hạ tầng và các đơn vị quân đội tới Bắc Cực. Đến cuối năm nay, tôi hy vọng việc cải tạo sân bay Tiksi và xây dựng sân bay Severomorsk-1 sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.”

Ông Putin cho biết quân đội Nga đã hoàn thành việc cải tạo một sân bay ở quần đảo Novosibirsk bị bỏ hoang từ năm 1993. Hồi đầu năm Nga đã cử 10 tàu chiến và 4 tàu phá băng tới quần đảo này để phô diễn sức mạnh.

Putin khẩn cấp điều quân đến kiểm soát Bắc Cực - 2

Tàu chiến Nga được điều đến phô diễn sức mạnh ở Bắc Cực

Hồi đầu tuần, Tổng thống Putin khẳng định sự hiện diện của quân đội Nga tại Bắc Cực là cần thiết để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng đến từ Mỹ.

Viện Khảo sát Địa chất Mỹ cho hay Bắc Cực chứa khoảng 30% trữ lượng khí đốt và 15% trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác của thế giới. Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng tại các giếng dầu ở tây Siberia trong vài năm tới và đang phải hướng sự chú ý của mình tới Bắc Cực.

Cả Nga, Canada và Đan Mạch đều tuyên bố dãy núi ngầm chạy dọc bên dưới Bắc Cực có tên Rặng Lomonosov dài 1.800 km là một phần trong lãnh thổ của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN