Phó chủ tịch Sóc Sơn: "Cướp lộc ở hội Gióng, tôi thấy bình thường"

Ông Lê Hữu Mạnh – Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ông đã xem những hình ảnh “cướp” lộc ở hội Gióng và đó là chuyện bình thường, năm nào cũng thế.

Ngày 2/2 (tức mùng 6 tháng giêng), lễ hội Gióng (đền Sóc - Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn du khách khắp nơi đổ về.

Lễ hội là một trong những hoạt động thường niên của người dân huyện Sóc Sơn để tưởng nhớ đến Thánh Gióng - theo truyền thuyết là người có công đánh bại giặc Ân, mang lại nền hòa bình cho dân tộc.

Tương tự như nhiều năm gần đây, hội Gióng năm nay cũng xảy ra tình trạng xô đẩy nhau để cướp lộc hoa tre.

Phó chủ tịch Sóc Sơn: "Cướp lộc ở hội Gióng, tôi thấy bình thường" - 1

Hình ảnh các thanh niên giẫm lên nhau để tranh cướp lộc hoa tre tại hội Gióng diễn ra hôm mùng 6 tháng giêng - (Ảnh: N.T).

Nhiều hình ảnh, video clip được chia sẻ cho thấy, khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Trình đã bị đám thanh niên, lao vào cướp để lấy may. Các thanh niên giẫm đạp, đè lên nhau, thậm chí trèo lên đầu nhau để cướp khiến cảnh hỗn loạn diễn ra trên sân đền trước sự can ngăn của lực lượng công an.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cướp lộc ở hội Gióng gây phản cảm, tạo ra hình ảnh chưa đẹp, nhất là lễ hội diễn ra trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trước sự việc này, Sở Văn hó Thể thao Hà Nội cũng đã vào cuộc làm rõ.

Chiều 3/2, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ trao đổi với Ban tổ chức lễ hội, lãnh đạo huyện Sóc Sơn xung quanh sự việc gây xôn xao này.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Lê Hữu Mạnh – Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội nói: “Tôi đã xem hình ảnh, clip trên mạng và tôi thấy bình thường, không có gì. Năm nào chả cướp, đó là tục lệ”.

Phó chủ tịch Sóc Sơn: "Cướp lộc ở hội Gióng, tôi thấy bình thường" - 2

Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - Lê Hữu Mạnh cho rằng, những hình ảnh cướp lộc ở hội Gióng là bình thường, không có gì phản cảm 

Trong khi đó, tại buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Nam Nho – Giám đốc Ban quản lý đền Sóc cho rằng, việc cướp lộc theo phản ánh là có nhưng không có đánh nhau. Việc cướp lộc là tục lệ từ ngày xưa.

“Trong kịch bản cổ thì có người giữ lễ và người cướp lễ, người giữ cứ giữ và người cướp cứ cướp. Tuy nhiên, gần đây để phù hợp với xu thế hiện nay chúng tôi đã không cho đem gậy gộc, hung khí vào lễ hội”, ông Nho bày tỏ.

Theo trả lời của Giám đốc Ban quản lý đền Sóc, trong văn bản cổ thì cướp lộc được gọi là tất lễ tranh lộc và cướp ở đây thì không giống cướp đường cướp chợ cho nên đó là chuyện bình thường.

Một cán bộ Công an huyện Sóc Sơn cho biết: Hình ảnh lộn xộn, tranh cướp lộc ở hội Gióng vừa qua là có nhưng không có ai bị thương hay ảnh hưởng gì như một số năm trước đó.

Phó chủ tịch Sóc Sơn: "Cướp lộc ở hội Gióng, tôi thấy bình thường" - 3

Cảnh hỗn loạn trong màn tranh cướp lộc tại hội Gióng - (Ảnh cắt từ clip).

Trong một diễn biến khác, được biết, chiều 3/2, Sở VH-TT Hà Nội đã ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý lễ hội năm 2017.

Văn bản của Sở VHTT Hà Nội nêu rõ, đầu xuân Đinh Dậu 2017, trên địa bàn thành phố đã diễn ra nhiều lễ hội lớn, về cơ bản các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp trong quản lý và tổ chức vì vậy, các lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, trật tự, đúng quy định.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, nắm tình hình và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, tại một số địa phương, công tác quản lý, tổ chức lễ hội còn chưa tốt, các hiện tượng như đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, chen lấn, xô đẩy trong lễ hội vẫn còn diễn ra, việc bố trí người thu dọn rác thải còn thiếu dẫn đến việc thu gom chưa kịp thời. Tại các điểm di tích, hiện tượng người bán hàng rong, chèo kéo khách vẫn còn.

Để khắc phục những tồn tại này, Sở VHTT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã triển khai tốt một số nhiệm vụ như: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội; xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo an toàn cho các hoạt động diễn ra tại lễ hội.

Đối với các lễ hội có tổ chức đoàn rước qua sông, đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng, tuyến tàu thuyền qua sông đảm bảo không xảy ra ùn tắc, va chạm, bố trí đầy đủ phao cứu sinh, xuồng cứu hộ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường trực trong quá trình tổ chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhất Nam (Người đưa tin)
Lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN