Phát hiện “siêu Mộc Tinh” ngoài Hệ Mặt Trời

Một nhóm các nhà vật lý học thiên thể quốc tế vừa phát hiện ra một hành tinh khí khổng lồ có khối lượng gấp 13 lần Sao Mộc.

Do là một khối khí lớn gấp nhiều lần Sao Mộc – hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời nên các nhà khoa học gọi phát hiện mới của mình là “siêu Mộc Tinh”.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là lần đầu tiên một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời được quan sát thấy trực tiếp trong hơn 4 năm qua. Phát hiện này dự kiến sẽ được công bố trên số tới đây của Tạp chí Astrophysical Journal Letters.

Hành tinh nói trên được đặt tên là “Kappa And b” vì nó quay quanh ngôi sao mẹ Kappa Andromedae, một thiên thể có khối lượng gấp 2,5 lần Mặt Trời và có thể quan sát được bằng mắt thường vào ban đêm trong chòm sao Andromeda (Tiên Nữ).

Phát hiện trên được kỳ vọng sẽ có ý nghĩa rất lớn vì nó làm sáng tỏ sự hiểu biết về quá trình hình thành hành tinh. Các nhà vật lý học thiên thể hiện vẫn chưa biết chính xác quy luật vật lý nào chi phối sự hình thành các hành tinh, đặc biệt khi các ngôi sao ngày càng có khối lượng lớn hơn rất nhiều Mặt Trời của chúng ta. Nhiều chuyên gia cho rằng, một ngôi sao có kích thước lớn như Kappa Andromedae sẽ phá vỡ quá trình hình thành hành tinh bởi nó có bức xạ rất mạnh.

Thế nhưng, sự tồn tại của “Kappa And b” đã thách thức những giả thuyết hình thành hành tinh như vậy. Đây là phần kết quả nghiên cứu của một dự án lớn hơn đang được thực hiện để tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có tên gọi “Những khám phá chiến lược về các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời và đĩa tiền hành tinh bằng kính viễn vọng Subaru ở Hawaii” (Strategic Explorations of Exoplanets and Disks with Subaru - SEEDS). Nhóm SEEDS cho biết họ sẽ tiếp tục nghiên cứu “siêu Mộc Tinh” để tìm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành hành tinh này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo Los Angeles Times) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN